1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bến đò ông Mờ

(Dân trí) - Cách trung tâm thị trấn Đông Anh khoảng 10km, làng Kim Tiên chạy men theo dòng sông Cà Lồ. Ở đây có một bến đò ngang rất đặc biệt. 30 năm nay, ông lái đò miệt mài đưa khách sang sông mà không hề có tiếng mái chèo khua nước. Dân trong vùng quen gọi là “ông đò Mờ”.

Mờ sáng, bến đò ông Mờ đã có tiếng người xôn xao í ới. Ông lão chèo đò sờ sệt bước lên: “Bà con lên đủ chưa? Ngồi chắc nhé, đi này!”. Miệng nói, cả người ông Mờ ngả mình đu sợi dây thừng vắt ngang dòng Cà Lồ. Con đò chầm chậm tiến ra giữa dòng.

 

Ông là Phạm Văn Mờ, năm nay đã 60 tuổi. Ông bị căn bệnh đậu mùa quái ác đã cướp đi đôi mắt, khi ông mới tròn 5 tuổi. “Lúc ấy tôi còn nhỏ quá nên không ý thức được nhiều về sự mất mát ấy, cả ngày chỉ luẩn quẩn chơi thơ thẩn loanh quanh trong sân nhà”.

 

Nhưng càng lớn, những mặc cảm, tự ti về số phận càng đè nặng lên chàng thanh niên Mờ. “Hồi ấy tôi ít ra ngoài, ít tiếp xúc, thậm chí mặc cảm cả với cái tên cha sinh mẹ đẻ”, ông Mờ bồi hồi. 

 

Cho đến một ngày cô thôn nữ hàng xóm Nguyễn Thị Mùi ghé chơi rồi dần dà thân mật, nên vợ thành chồng lúc nào chẳng biết. Đám cưới bấy giờ ai cũng vui, chính quyền cũng tán thành, mừng cho cậu Mờ tàn tật mà lấy được vợ hiền. Cuộc sống của chàng thanh niên Mờ bắt đầu chuyển sang bước ngoặt mới. Lúc ấy, ông Mờ luôn trăn trở, rằng phải sống sao cho có ích, sống sao cho xã hội biết có một người như mình tồn tại

 

Tình yêu vượt lên tất cả. Nó khiến cho một người tàn tật như ông Mờ thấy cuộc sống không tăm tối mà tươi đẹp hơn ông vẫn nghĩ, rằng có nhiều người còn bất hạnh hơn ông nhiều. Ông cần phải làm gì đó đem niềm vui tới mọi người, trước hết là phải có trách nhiệm với gia đình.

 

Và cái bến đò ra đời, nối liền hai bờ vui, giúp người dân khỏi phải đi vòng tới hàng chục cây để sang bờ bên kia đi chợ. Ngày ngày ông Mờ dùng chiếc thuyền nan đưa đón khách qua sông theo cách của riêng ông: Buộc một sợi dây thừng vắt ngang hai bên bờ và dùng tay kéo dây.

 

Bến đò ông Mờ - 1

 Khúc sông này ít khi vắng bóng con thuyền của ông.


Tôi lên đò ông Mờ, con đò chòng chành, ở trong có vài ba người đàn bà dáng điệu rất tất tưởi. Một chị phụ nữ cầm chiếc quạt nan phất phành phạch: “May nhờ có bến đò này mà chúng em đỡ được tới cả chục cây số”.

 

Chuyến đò lần này có vẻ nặng, ông Mờ đu người, bao nhiêu gân guốc ở cánh tay nổi lên như chạch. Tôi cũng bám tay vào kéo hộ, ông nhận ra ngay: “Chú là nhà báo thì cứ lo chụp ảnh đi, không khéo rơi cái máy xuống nước thì chết. Xã hội phân công lao động rồi, việc ai nấy làm…”

 

Mấy bà đi chợ nghe ông nói thì cười hùa theo. Ở đây họ trả công cho ông cũng tuỳ tâm, có người 1.000đ, người 2.000đ. Nhưng chẳng ai đi không của ông bao giờ. “Người khiếm thị như ông Mờ đã chẳng đòi hỏi gì thì chúng tôi cũng phải biết điều, đi không là phải tội đấy anh ạ, trời có mắt…”, một bà phân bua.

 

Kể, ông nói cũng đúng. Một công việc hết sức bình thường, nhưng chẳng hề tầm thường chút nào. Công việc ấy đã giúp số phận một con người như ông trở nên có ý nghĩa. Hơn 30 năm lênh đênh sông nước, nghề kéo đò chẳng làm ông giàu thì cũng giúp gia đình thêm thắt đồng tiền cắc bạc.

 

Lần này thì có thêm tôi trợ sức nên con đò lao nhanh hơn hẳn, nhoáng cái đã sang tới bờ bên kia. Ông Mờ không nói ra nhưng hồ hởi ra mặt. Mấy bà đi chợ lên bờ, miệng cảm ơn í ới. Bến nước náo động vài phút rồi lại trở về với vẻ yên tĩnh, thanh bình. Gió thổi vào rặng tre xào xạc… 

Án Văn Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm