1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bẽ bàng một kiếp hoa rơi

Không son phấn, không còn những bộ quần áo thời trang, không ánh đèn màu và đương nhiên cũng không có những đồng đô la thập thò, sự trần trụi cho chúng ta thấy rõ về con người thật của những người mang số kiếp gái "bán hoa".

Sau 48 giờ "động" Cheers nằm trong khuôn viên khách sạn Heritage bị triệt phá (ngày 30/5), mới đây, chúng tôi có dịp tiếp cận một số trong 47 cô gái đang bị tạm giữ tại Trại phân loại Lộc Hà.

 

1. Ngay cả cái tên, cái họ của chính mình chứ chưa nói đến cha mẹ, anh chị em trong nhà, phải đấu tranh mãi cơ quan Công an mới có được lời khai thật của cô gái có vẻ ngoài mộc mạc. Phải chăng cái chất quê mặn mòi này đã giúp cô nhiều đêm liền có "khách". Những vị khách ngoại quốc trả cho cô bằng đô la, những tờ bạc màu xanh lét mà có lẽ cả đời cha mẹ cô, những người nông dân miền quê Hải Dương chưa bao giờ được cầm tận tay.

 

Giải thích vì cái sự "đắt hàng" của mình, cô bảo rằng ai "xuân" thì được, ai "đen" thì chờ dài cổ, cả tháng chẳng khách nào chọn. Khi tôi hỏi rằng chắc em thuộc diện "xuân" nhỉ thì cô cười. Cô bảo nhờ trời cho "lộc" làm nghề này nên cô không chết đói. Tôi lại hỏi tiếp, có phải do em trẻ, trông cũng bắt mắt nên khách người ta chọn, cô lắc đầu. Một lần nữa cô khẳng định "nhan sắc chỉ là một phần nhỏ, cái chính là "lộc" mà chị".

 

"Nếu trời đã "thương" thì làm sao em bị bắt vào đây?" - tôi hỏi. Cô gái im lặng không đáp lời. Cô bảo rằng hôm đó cô phục vụ mấy vị khách người Hàn Quốc hát karaoke. Đã gần 24h, các vị khách này vẫn hát say sưa, cô nghĩ rằng hôm nay lại không "xuân", xong vụ hát hò này chắc về nhà ngủ. Đang nghĩ rằng mình gặp "vận đen" thì người phiên dịch đến bảo có một vị khách muốn "mua" một đêm.

 

Người này đến khách sạn Trúc Quỳnh đợi sẵn, cô lấy số phòng rồi đến sau. Cũng như mọi lần, cô trang điểm lại rồi ra vẫy chiếc taxi quen thuộc vẫn đợi trước cổng. Nào ngờ khi mọi việc "mua bán" đang diễn ra thì Công an ập vào. Cả cô lẫn vị khách đều bất ngờ. Cả hai đều bị đưa về cơ quan Công an, "chắc ông ấy được tha rồi, còn em lại vào đây", cô bảo vậy.

 

Cứ tưởng rằng cô gái quê rất thành thật nhưng khi tiếp cận với bản cung, tôi mới biết cô không như vẻ bề ngoài. Theo quy định của "động" Cheers, tất cả các cô gái khi "đi khách" đều phải mang theo giấy chứng minh nhân dân. Cô gái này đã không dùng chứng minh nhân dân của mình mà lấy của bạn, một cô gái cùng nghề. Cô cứ tưởng rằng sử dụng tên họ của người khác sẽ che giấu phần nào thân phận của mình nên cô rất tự tin khi đi hành nghề, kể cả khi bị Công an bắt.

 

Tại trụ sở, cô khai tên Trần Thị H., SN 1980. Bố mẹ đều làm nghề nông, gia đình có 3 anh chị em. Cô an tâm với lời khai "thành khẩn" này cùng điệp khúc "em ở quê lên, đi làm tiếp viên mới được 1 tuần, đây là lần đầu "đi khách"...". Thấy những lời khai của mình được đồng chí cán bộ ghi trong bản khai, cô yên tâm đã "qua mặt" được cán bộ điều tra. Nhưng không, những lời khai sai sự thật dần dần lộ rõ qua chính cách nói của cô. Và cái sự thật "mới đi khách lần đầu tiên" đã bị lột trần không phải như vậy. Cái sự "mua bán" của cô với người nước ngoài không chỉ một lần trong thời gian cô hoạt động ở "động" Cheers. Nó thể hiện bằng các ngày 15/5, 17/5, 18/5...

 

Lý lịch của cô gái này đã được làm rõ. Cô tên Nguyễn Thị H., sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp ở Hải Dương. Không nghề nghiệp, H. lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề tiếp viên.

 

Cô được rỉ tai rằng ở "động" Cheers, khách "ăn tạp", thích những dạng gái quê quê như cô hoặc cao tuổi. Thế là cô đến xin gia nhập đội ngũ tiếp viên ở đây. Đúng là những người chủ ở đây không làm khó gì cả, chỉ cần nộp một bộ hồ sơ, thỏa thuận thử việc một tuần, nếu "làm được" sẽ được đánh mã số. Và quả thật, chỉ sau một tuần, cô được giữ ở lại.

 

Một giờ phục vụ khách hát karaoke được trả công 1 USD, ngoài ra các cô đều không được trả lương hay bất kỳ khoản phụ cấp nào khác từ ông bà chủ. Đi làm chỉ để được nhận số tiền ít ỏi này thì làm sao những người như H. đủ tiền son phấn, quần áo. Nếu so sánh một "cuốc" đi khách với khoản thù lao từ 40 - 70 USD (đã trừ tất cả các chi phí) thì số tiền kia quá bèo. Nhưng việc có "đi khách" hay không là tuỳ vào các cô, chủ không ép.

 

"Người yêu em có biết em phải vào đây không?", "Không. Anh ấy không biết em làm nghề này. Còn nếu biết rồi có tha thứ hay không là tuỳ ở sự trải nghiệm của anh ấy. Những người chưa có kinh nghiệm sống chắc chẳng ai bỏ qua việc làm của em".

 

Cô còn viện dẫn rằng "hầu hết "gái" ở F. (một khách sạn nhiều sao ở Hà Nội chúng tôi không tiện nêu tên) đều có người yêu. Người yêu của các chị ấy đều biết họ làm gì. Thế mà vẫn cứ yêu đấy. Vì các chị ấy có nhiều tiền".

 

Có lẽ H. cũng nghĩ khi mình kiếm được nhiều tiền sẽ có những chàng trai sẵn sàng yêu cô.

 

2. Không mơn mởn, trẻ trung như H., Trần Thị O. năm nay đã 35 tuổi. Cái tuổi mà những người trong giới cho rằng đã hết "date". Thế mà trong cái đêm lực lượng Công an tấn công vào "động" Cheers, O. vẫn bị bắt. Không chối cãi được trước những chứng cứ đầy thuyết phục, O. bảo rằng mình có tham gia hoạt động mại dâm trong tổ chức này. "Ở tuổi này chẳng có nơi nào người ta nhận. Nghe nói ở Cheers không kén chọn, em mới lên xin làm tiếp viên".

 

Theo O. thì với mức lương 800.000đ khi làm việc ở hàng gội đầu không đủ cho hai mẹ con sinh sống. "Em phải thuê nhà, nuôi một đứa con trai năm nay 14 tuổi. Vợ chồng em chia tay mấy năm rồi. Em phải làm nghề này vì mưu sinh chứ có sung sướng gì". Nói rồi O. lại khóc. Tôi chẳng biết đó có phải là những giọt nước mắt đau đớn tủi hờn hay là thứ vũ khí mà những người như O. dùng để tìm sự thương cảm ở những người khác.

 

Cậu con trai 14 tuổi, cái tuổi mới lớn rất nhạy cảm sẽ nghĩ gì về người mẹ của mình. Cậu vẫn đi học, vẫn đến trường hồn nhiên và liệu cậu có hồn nhiên được không khi biết hàng đêm mẹ mình lăn lóc trong những căn phòng sang trọng với những người đàn ông xa lạ để kiếm tiền. O. bảo rằng cô giấu nhẹm không cho con biết. Cô giải thích với nó việc đi sớm về khuya là "mẹ buồn, mẹ đi đánh bài". Những lúc O về thì con đã ngủ, sáng ra tỉnh dậy cháu đã thấy mẹ ở nhà nên nó không nghi ngờ gì. Cứ thế cuộc sống của mẹ con O. diễn ra khá bình yên cho đến hôm nay, khi mà O. có nguy cơ bị đưa đi giáo dục nhân phẩm một năm rưỡi. Nghĩ đến điều này, O. sợ. Cô sợ con mình không có người nuôi hay sợ phải lao động, học tập bắt buộc? Hơn ai hết, O. tự hiểu.

 

Hà Thị L., quê ở Lâm Đồng dạt ra Hà Nội cách đây 2 năm. Tuy mới 22 tuổi nhưng L. đang làm mẹ một cậu con trai 4 tuổi. Không có vẻ thâm trầm như O., một người đàn bà đứng tuổi đang trong những giây phút lo lắng tột độ, L. rất thản nhiên. Khi khai tên con, tên chồng với cơ quan Công an, L. cũng rất lơ đễnh. Cô nhớ nhầm tên của họ.

 

Khi hỏi kết hôn năm nào, tại sao ly hôn, L. trả lời cũng rất bâng quơ. Không biết L. cố tình hay đầu óc cô có vấn đề? L. ngơ ngác hỏi tại sao phải đi giáo dục, lao động những 18 tháng. Cô chưa hề biết rằng những cô gái hành nghề mại dâm trước khi được trả về với xã hội phải được giáo dục bắt buộc bằng phương pháp này. Cô đẹp, cô ngơ ngác nhưng cô lại không như vậy khi nằm trong tổ chức của Cheers. Có phải đây là cách để cô gái này mong được thoát nhẹ tội?

 

Dân Hải Phòng chính gốc, Nguyễn Hải K. có khuôn mặt mỏng quẹt, lông mày, mắt, môi đều xăm sắc nét. "Dạt vòm" từ thời thiếu nữ, cũng lấy chồng, sinh con nhưng nay đã ở tuổi gần 30, K. phải nuôi con một mình. Do quen lối sống nay đây, mai đó, quen hưởng thụ nên K. coi việc mình làm là chuyện bình thường, chỉ có điều "lấy được mấy chục đô của khách cũng không dễ. Để đáng đồng tiền bát gạo, người ta cũng vắt kiệt sức mình", đó là cách K. nhận xét về cái nghề của mình.

 

Không biết có phải ngẫu nhiên không mà trong số những cô gái bị bắt ở "động" Cheers tôi gặp phần lớn đều đã có con. Những người mẹ này ngụy biện cho hành vi của mình là vì "tương lai con em…". Họ cho rằng với bổn phận người mẹ, họ phải nuôi con. Còn việc những đứa con lớn lên bằng đồng tiền kiếm bằng cách nào thì họ không quan tâm.

 

 

Theo Cao Hồng

Công An Nhân Dân