1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Bản nghiện” giữa đại ngàn

(Dân trí) - Bản Chà Lúm, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An) quanh năm mây phủ - nơi có những cánh rừng đại ngàn vắng dấu chân người. Ít ai dám tin rằng tại chốn sơn lâm âm u này, Chà Lúm là “bản nghiện”. Ma tuý đã làm cho bản làng khánh kiệt, điêu tàn.

Nỗi buồn “bản nghiện”

Đường vào Chà Lúm đầy gian nan hiểm trở, chỉ toàn dốc cao vực thẳm, đến UBND xã Yên Tĩnh, trời vừa đứng bóng. Cán bộ xã nói: “Từ đây vào Chà Lúm còn mất gần buổi đường nữa”.

Con đường dẫn vào bản nhỏ hẹp, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, mây mù dày đến nỗi đất trời như lẫn vào nhau. Tay xe ôm kể: Vào Chà Lúm “lạnh gáy” bởi bọn chích hút thường ẩn nấp ven đường. Để có tiền chích choác, chúng có thể làm mọi điều ác.

“Bản nghiện” giữa đại ngàn - 1
Bản Chà Lúm hầu hết là những ngôi nhà kê tạm bợ 

Nhìn từ xa đã thấy bản Chà Lúm nép mình bên thung lũng rợp bóng dừa, là những ngôi nhà kê, nhà lá tạm bợ, xiêu vẹo. Bản làng nhếch nhác. Những đứa trẻ gầy đen đang nô đùa, những phụ nữ Thái nước da xanh xao đang ngồi bên bậu cửa cặp mắt đờ đẫn nhìn mà như chẳng nhìn ai.

Anh Lương Văn Đồng, Phó bản Chà Lúm, thở dài nói giọng đượm buồn: “Ngày ấy cách đây chưa lâu lắm, Chà Lúm trù phú thanh bình, thóc nhà ai cũng đầy bồ to, bồ nhỏ, trâu bò đầy gầm sàn, con người hiền lành chăm chỉ với ruộng nương. Thế mà Chà Lúm bỗng trở thành bản nghiện lúc nào không hay, con trai bản như cây lim, cây sến bỗng chốc bị con “ma trắng” biến thành thân tàn ma dại”.

Chúng tôi đén Chà  Lúm chỉ cách mấy ngày tổ Công an phòng chống ma tuý huyện Tương Dương vừa mật phục truy bắt các đối tượng xách ma tuý. Thiếu uý Nguyễn Thành Sơn, Công an huyện Tương Dương cho hay: “Chà Lúm là địa bàn khá phức tạp, địa thế hiểm trở, các đối tượng xách ma tuý thường từ xã Lưỡng Minh qua đây và từ huyện Quế Phong sang, anh em đã phục kích bắt được một số vụ nhưng không vì thế mà giảm nạn xách thuê ma tuý. Thủ đoạn của bọn trùm ma tuý là dùng tiền phỉnh nịnh người dân, sau đó cho chích hút “thuốc trắng” gây nghiện, để có tiền mua thuốc là phải xách thuê cho bon chúng”. Đêm ở Chà Lúm thật hoang vắng, cả bản tắt đèn đi ngủ sớm vì sợ con nghiện. Chúng như những hồn ma, nằm queo quắp bên vệ đường, phèo bọt mép khi chưa có thuốc.

Phó bản Đồng nói: “Chà Lúm có 195 hộ dân thì đã có trên 100 con nghiện. Nhưng theo tôi nghĩ con số đó còn nhiều hơn vì còn nhiều gia đình vẫn giấu con nghiện”. Có thể nói , nơi nào có cơn lốc ma tuý đi qua, là để lại phía sau đó những thảm cảnh đau lòng. Nhiều gia đình tan gia bại sản, con xa cha, vợ xa chồng, nhiều người nghiện bị sốc thuốc chết hoặc nhiễm HIV. Trường hợp thương tâm như gia đình Lô Văn Khoán có tới 5 con trai gái. Để có tiền chích hút, mọi của cải trong nhà đều “đội nón” ra đi, đến nỗi còn căn nhà sàn để nương thân cũng bán nốt để “nướng” vào khói trắng. Lô Văn  Khoán và vợ con phải dựng căn lều nát bên bờ suối ở tạm. Men theo bìa rừng, tôi đã tìm được nhà Khoán. Anh ta đang nằm còng queo như con tôm, thân thể chỉ còn da bọc xương đôi mắt nhắm nghiền như kẻ đã chết. Bên cạnh có 3 đứa con nhỏ đang nằm sát đó gào khóc.

“Bản nghiện” giữa đại ngàn - 2
Anh Lô Văn Khoán đang đói “thuốc trắng” nằm quắt queo bên những đứa con gầy xanh xao

Khánh kiệt vì ma tuý

Hoàn cảnh  gia đình Khoán thương lắm, hầu như ngày nào cũng có người dân bản vào cho gạo để ăn, nhưng bây giờ nó nghiện nặng quá rồi, nếu không nhận được những tấm lòng nhân ái của dân bản, mà dừng cho gạo thì cả nhà Khoán chết đói. Vợ Khoán hàng ngày như thân cò thân vạc, lặn lội vào rừng sâu để đào khoai mài về nuôi con nhỏ. Chồng nghiện, nhìn mấy đứa con càng thương, đứa nhỏ nhất 4 tuổi xanh xao vàng vọt, áo quần rách rưới, hai đứa lớn hơn thì cả ngày vào khe kiếm cá. Chỉ cách đây vài năm, nghe nói gia cảnh nhà Khoán cũng khá lắm, Khoán to cao khoẻ mạnh, rắn chắc như cây gỗ trong rừng, bọn chích choác bàn với nhau là “Muốn hạ thằng Khoán thì chẳng cần phải giáo mác, cung tên như bắn con hoẵng, mà chỉ cần cho nó hít khói trắng là được ...”.

“Bản nghiện” giữa đại ngàn - 3
Căn lều nát của Lô Văn Khoán ở bản Chà Lúm

Thế rồi Khoán bị “bắn hạ” sức tàn lực kiệt, Khoán nói phều phào: “Em cũng thương vợ con lắm, muốn cai nhưng sợ nghị lực không đủ lớn để khuất phục con ma trắng này...”. Phía bên kia là nhà của Pay Văn Thuận cũng nghiện nặng, có 7 đứa con trông cả vào đôi vai vợ. Nghe nói chị vợ mấy ngày nay bị sốt rét nặng. Ốm mà không có cái ăn, không có thuốc uống!

Trưa đó, trời bỗng nổi giông, gió đại ngàn rít lên rần rật, mái lều của chị Pay Thị Lâm chao đảo lắc lư, mấy đứa con nhỏ khóc thét lên, chị phải trèo lên nhà mà dắt lại mái lá để đỡ mưa dột xuống. Chị Lâm mặt buồn như quả sim héo nói như muốn khóc: “Chà Lúm cứ mưa xuống thì nhà nào cũng dột nát, thanh niên trai tráng nghiện ngập hết, bọn tui làm quần quật cũng chẳng thể đủ nuôi mấy miệng ăn huống hồ làm được nhà mới”. Nhà chị có 3 đứa con thì bọn chúng cũng chỉ được học thuộc gần hết chữ cái, rồi chữ lại trả cho thầy, cả 3 đứa con thơ dại ấy chỉ vì sự sống đã phải theo mẹ vào rừng hái măng, bắt con dúi, con cá dưới khe. Hồi xưa Chà Lúm chẳng bao giờ mất cắp, vậy mà giờ chỉ cần hở ra một loáng là con nghiện chôm chỉa liền, kể cả lợn gà.

Cô giáo Đinh Thu Trang, giáo viên mầm non của bản kể: Do thanh niên bản nghiện ngập quá nhiều, dẫn đến đói nghèo nên việc học ở đây chẳng được coi trọng. Ngay như giáo viên mầm non nhiều lúc chẳng có học sinh mà dạy vì phụ huynh không cho các cháu đến trường. Vì thế tỷ lệ mù chữ ở bản còn khá cao. Đến nhà vận động thì thậm chí có trường hợp bố mẹ của các em còn lý giải: học cái chữ có no được cái bụng không.

“Bản nghiện” giữa đại ngàn - 4
Những đứa trẻ vừa đói cơm lại đói chữ
Còn đối với học sinh  cấp THCS  ở Chà Lúm thì phải ra trung tâm xã học cách xa gần 20 km đường rừng, địa thế hiểm trở nên nhiều em nản không muốn học. Người dân Chà Lúm để kiếm tìm sự sống ngoài nghề  “phá” rừng, còn có nghề khai thác vàng sa khoáng. Nghe nói ngày xưa Chà Lúm là “rốn vàng” người Pháp đã đến đây, thuê người dân bản địa tìm vàng. Hiện nay, người dân nơi đây ngày nào cũng mang theo đồ nghề xuống khe để đào đãi tìm vàng sa khoáng. Trẻ em từ 5 tuổi trở lên đã biết đãi vàng với đồ nghề khá đơn giản. Người ta làm cái mâm tròn bằng gỗ, cứ đào được từng nào đất thì ngồi xoài trên suối đãi trên cái mâm xoay ấy. Đãi cả ngày đến kiệt sức, bình quân được 1-2 ly vàng, giá bán khoảng 30.000đ/ly. Khi ông mặt trời chưa thức giấc thì cả bản Chà Lúm đã lục đục dậy đi đãi vàng. Cả một khúc suối dày đặc người đi tìm cái ăn, cái mặc từ vàng.
 
Trong đám người đang làm vàng có khá nhiều em nhỏ. Lô Văn Vược mới học lớp 5 đã bỏ học đi làm vàng, ăn mặc rách rưới phong phanh trong cái lạnh thấu xương. Vược nói: “Em muốn đi học lắm nhưng nhà đông các em, bố mẹ làm không đủ ăn nên mới bắt bỏ học đi làm vàng...”. Tôi nhìn vào ống nứa nhỏ dùng đựng vàng của Vược thì vẫn còn trơ đáy, cả ngày đào đãi em vẫn chưa được tí gì, nghe em nói là cả ngày nay em chỉ được mỗi củ khoai để lót dạ lấy sức để đãi vàng mà thương lắm. Sát bên, Lương Thị Thẩm mới 12 tuổi cũng ủ rũ giơ ống nứa phân bua: Cả ngày mà chỉ được mấy “vảy” thôi, bán được khoảng 20.000 đ, nhiều bữa không được thì không có cơm ăn, chỉ ăn rau, ăn khoai cho qua ngày đoạn bữa.

Ông Đồng, Phó bản nói trong hơi thở: “Chà Lúm có đủ điều kiện để khai hoang ruộng lúa nước ổn định sản xuất lương thực, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên nạn nghiện ngập quá nhiều dẫn đến chẳng ai muốn làm ruộng nương, bản làng quanh năm nghèo đói tiêu điều, dân bản thiếu đói 100%, mỗi năm thiếu đói từ 8-10 tháng”.

Hỏi về giải pháp cho Chà Lúm, ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch huyện Tương Dương trả lời giọng lo lắng: “Hàng năm UBND huyện phải ủng hộ gạo để bà con đón tết, Công ty Trung Tín và Hợp Vinh đã xây dựng cho Chà Lúm nhà cộng đồng trị giá 220 triệu đồng để bà con sinh hoạt, hội họp, đặc biệt mở mới được khoảng 7 km đường từ trung tâm xã vào Chà Lúm, ô tô tải đã thông được vào bản, đây là điều kiện thuận lợi để Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Chà Lúm. Đối với tình trạng nghiện ngập ma tuý, huyện đang tăng cường công tác chỉ đạo vận động các đối tượng cai nghiện, cử lực lượng công ăn chốt chặn, triệt phá đường dây ma tuý đi qua đây. Hướng tới là sẽ lồng ghép các chương trình dự án để phát triển kinh tế-xã hội mới  thức dậy được miền quê heo hút này từng bước giảm đói nghèo.

“Bản nghiện” giữa đại ngàn - 5
Người dân ở Chà Lúm cuộc sống chủ yếu trông chờ vào  rừng

Chúng tôi rời Chà Lúm khi hoàng hôn buông xuống trên những cánh rừng. Nhìn những mái lều xác xơ, những đôi mắt đờ đẫn buồn chìm trong màn mưa đùng đục mà thấy như cứa lòng, xát muối. Bản “nghiện” đang cần một sự giúp đỡ của cộng đồng để thoát “con ma trắng”, sớm trở về với cuộc sống thanh bình, yên ả.

Văn Trường - Duy Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm