1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ấn tượng xích lô Huế

(Dân trí) - Lần nào đến Huế cũng thế, hình ảnh bác xích lô già gò lưng đẩy xe chở khách du lịch lên cầu Trường Tiền luôn làm tôi bị ám ảnh. Thành phố hiện có tới 5.000 người hành nghề xích lô. Trong con mắt du khách tới đây, xích lô là một phần của văn hoá cố đô, nơi vốn dĩ rất u hoài.

Anh Nguyễn Văn Tí làm nghề đạp xích lô ở Huế đã ngót nghét 20 năm nay. Là người gốc Huế, cuộc đời anh đã trải qua tất cả những thăng trầm cùng thành phố hiền hoà này. Chở tôi một cuốc đi phố cổ, anh Tí vừa đạp xe vừa nhỏ nhẹ bắt chuyện.

 

Anh Tí là một người hoạt động trong nghiệp đoàn do Sở du lịch quản lý. Như anh nói, thì nghiệp đoàn có 237 người. Anh bảo, để đủ tiêu chuẩn vào nghiệp đoàn thì người chạy xích lô phải đảm bảo (bằng văn bản) các yếu tố: Không chèo kéo khách, không lấy tiền quá giá, thái độ phục vụ phải chu đáo…

 

Có lẽ không nơi đâu người dân thâm trầm và hiền hoà như Huế. Không ở đâu, khi ngồi trên xích lô, tôi có thể cảm nhận được nhiều điều như ở Huế. Xích lô đi chầm chậm, và tiếng của anh Tí sau lưng cũng vậy, chậm rãi và truyền cảm. Anh bảo, đạp xích lô phải có sức khoẻ (đương nhiên), nhưng chỉ ngần ấy thôi chưa đủ. Người đạp xích lô phải mềm mỏng và chiều chuộng khách, phải giải thích và trả lời bất cứ câu hỏi nào của du khách, dù là vu vơ nhất. Khi khách hỏi chỗ mua đặc sản, chỗ may áo dài, chỗ ăn bánh Huế… là xích lô lập tức phải đáp ứng ngay.

 

Anh Tí nói tiếng Anh rất tốt. Anh đã qua một lớp đào tạo ngắn hạn, nhưng nghe nói được tốt như thế là vì anh hay tiếp xúc với khách nước ngoài. “Mình chỉ nên mời 2 câu, đến câu thứ 3 nếu du khách không thích là họ bắt đầu tỏ thái độ khó chịu. Họ đã thích đi bộ thì không nên làm phiền”, anh Tí nói.

 

Đa phần những người hành nghề xích lô cho khách du lịch đều có vốn tiếng Anh giao tiếp rất khá, có thể chỉ đường cho khách nước ngoài qua vài ngã tư, mấy chỗ quẹo, thậm chí, có người còn có thể tư vấn cho du khách nên đi đâu trước.

 

Những người làm nghề đạp xích lô như anh Tí, nếu một ngày làm việc cật lực thì cũng thu được nghót nghét trăm nghìn. “Sống ở đây như thế là tạm ổn”- anh Tí nói - “Đầu tư một chiếc xích lô mới tinh là 5 triệu, nếu chăm chỉ thì có thể nuôi sống cả nhà”.

 

Trời đổ mưa. Huế là thế, những cơn mưa luôn đến và đi bất chợt mà không bao giờ báo trước. Mưa to, chúng tôi ngồi vào một quán càfê nhỏ trên đường Bạch Đằng. Chủ quán mở nhạc, bản “Hoài cảm” của Cung Tiến. Đã rất lâu rồi tôi chưa nghe lại bản nhạc này. Tí lẩm nhẩm hát theo: “Chiều buồn, len lén tâm tư…”. Những chiếc xích lô khác vẫn lầm lũi trong mưa, chở hàng vào chợ Đông Ba. Nhiều lúc, chẳng hạn như lúc này, thời gian như chùng lại. Bao nhiêu xô bồ của cuộc sống chợt vụt tan.

 

Ấn tượng xích lô Huế - 1

Mưu sinh nhọc nhằn bằng nghề đạp xích lô.

 

Chúng tôi đi một vòng qua khu Đại Nội, quanh những cung đường đền đài thành quách phủ kín rêu phong đầy mầu hoài cổ. Mưa xong, trời rực sáng. Huế là thành phố du lịch, thu hút nhiều du khách nước ngoài nhưng luôn chất chứa vẻ buồn bã. May có những người chạy xích lô như anh Tí đi lại ngoài đường, khiến cho thành phố sinh động thêm rất nhiều. 

 

Nếu có nơi nào xô bồ ồn ào nhất ở Huế, thì đó phải là khu phố tây Phạm Ngũ Lão. Ở đây luôn có hàng chục xích lô túc trực bên ngoài các khách sạn. Khu vực này, những người hành nghề xích lô thường có cùng lúc hai phương tiện: xích lô và xe máy. Họ có thể linh động làm xe ôm hoặc cho khách thuê xe máy nếu khách có nhu cầu. Anh Tí cũng hay “trực” ở khu vực này.

 

Đêm, chỉ 10 giờ là Huế trở nên vắng vẻ, các cửa hàng cửa hiệu đóng cửa hết. Duy chỉ có những tay xích lô vẫn cần mẫn đạp chầm chậm qua các con phố tìm khách. Buổi tối hôm sau, không gặp được anh Tí, tôi ngồi lên một chiếc xích lô khác. Lần này là một thanh niên trẻ.

 

Chúng tôi qua cầu Trường Tiền, vòng qua chợ Đông Ba rồi lòng vòng trong khu phố cổ. Đến khi tính tiền, anh thanh niên nói: “Anh cho bao nhiêu thì cho!” Thú thật, những lúc như thế tôi bỗng trở nên bối rối trước sự hiền lành nhưng không kém phần khôn khéo của người dân bản xứ. Chẳng mấy ai trong số những người đạp xích lô ở đây được học hành tới chốn, nhưng cách ứng xử và vốn kiến thức xã hội, lịch sử phong phú của họ chính là điểm thu hút du khách.

 

Bên bờ sông Hương mộng mơ, cuộc sống cần lao của những người đạp xích lô vẫn hàng ngày tiếp diễn, như nó vốn thế từ bao nhiêu năm nay. “Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình giọt nước Hương Giang” - mấy câu thơ ấy của một người xích lô bản xứ đã chết nghe thật hào sảng… 

Án Văn Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm