1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Xử vụ giãn dân phố cổ: Công ty Hồng Hà phải trả 170 tỷ cho các bị hại

HĐXX xác định, hành vi của ba bị cáo: Xương, Lợi và Thắng đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đề nghị của Viện kiểm sát.

Chiều 18-3, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ Hà Nội.

Theo bản án sơ thẩm, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 170 tỷ đồng từ việc giãn dân phố cổ là rất nghiêm trọng.

Ba bị cáo: Nguyễn Quốc Xương (60 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà, viết tắt là Công ty Hồng Hà); Nguyễn Đức Lợi (63 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển kinh tế Hà Nội, viết tắt là Công ty Hà Nội) và Nguyễn Đức Thắng (68 tuổi, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cố tình phạm tội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Quá trình mở toà, bị cáo Nguyễn Quốc Xương có đơn xin vắng mặt do bị cáo mắc bệnh (liệt nửa người), nhưng trong quá trình điều tra, bị cáo đã có lời khai đầy đủ về hành vi phạm tội của mình. HĐXX xác định, hành vi của ba bị cáo: Xương, Lợi và Thắng đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đề nghị của Viện kiểm sát.

Hai bị cáo Thắng và Lợi tại phiên xử.
Hai bị cáo Thắng và Lợi tại phiên xử.

Với phán quyết trên, HĐXX tuyên phạt: bị cáo Thắng 18 năm tù; bị cáo Lợi từ 12 năm tù và bị cáo Xương từ 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định, các bị cáo là đại diện cho Công ty Hồng Hà nên công ty này phải trả tiền cho các bị hại theo quy định của pháp luật. Về phía Công ty Hồng Hà nếu muốn đòi quyền lợi thì có thể khởi kiện ra Toà án để yêu cầu ba bị cáo bồi thường.

Như Báo CAND đã phản ánh, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng các đơn vị chức năng tư vấn soạn thảo.

Ngày 14-6-2000, UBND TP Hà Nội có Công văn số 1375/UB-XDĐT giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng. Nguồn vốn thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội chủ trương huy động từ các nguồn vốn ứng trước để thực hiện, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn sau khi bố trí bán nhà cho người dân trong khu phố cổ. Tổng số vốn dự tính để thực hiện dự án giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ngày 23-8-2010, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 1917 giao cho Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng.

Dự án chưa được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết, UBND quận Hoàn Kiếm chưa triển khai thiết kế xây dựng và cũng chưa ký kết hợp đồng thực hiện dự án với Công ty Hồng Hà.

Công ty Hồng Hà cũng chưa nhận khu đất trên thực tế, chưa triển khai thực hiện dự án theo các bước quy định nhưng đã ký hợp đồng bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc với khách hàng (thực chất là bán căn hộ).

UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán căn hộ nói trên. Nhưng các bị cáo đã lợi dụng và lấy danh nghĩa công ty để lừa dối khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, hợp đồng góp vốn, đặt cọc với 146 lượt người thu số tiền gần 170 tỷ đồng rồi chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật.

Theo Nguyễn Hưng

Công an nhân dân