1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ chạy thận tử vong: "Nạn nhân chết không có quy trình, còn chúng ta có quy trình?"

(Dân trí) - Tại tòa, luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, thời điểm xảy ra sự cố 9 người chạy thận tử vong ở BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, không có quy trình quản lý chất lượng nước của hệ thống RO của máy chạy thận, chính vì thế không thể buộc tội cho các bị cáo, phải chăng "chỉ nạn nhân chết không đúng quy trình, còn nhà quản lý thì đúng quy trình?".

Chiều nay (25/5), TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, đây là ngày làm việc thứ 9.

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

Trong phần tranh tụng, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho biết, tại thời điểm xảy ra sự cố nói trên hoàn toàn chưa có quy trình quản lý chất lượng nước RO của máy chạy thận. Chính vì vậy, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát (VKS) không có căn cứ buộc tội các bị cáo, trong đó có bị cáo Hoàng Công Lương.

"Sau sự cố, mãi đến tháng 4/2018, Bộ Y tế mới ban hành 52 quy trình chạy thận, trong đó có 7 quy trình liên quan đến chất lượng hệ thống nước RO của máy chạy thận. Không có quy trình thì lấy gì buộc tội cho các bị cáo,.. Giả sử, bị cáo Lương có trách nhiệm quản lý chất lượng nước của hệ thống RO thì lấy gì để kiểm tra? Phải chăng, nạn nhân chết không có quy trình, còn chúng ta có quy trình?" - Luật sư Phúc lập luận.

Luật sư Trần Hồng Phúc.
Luật sư Trần Hồng Phúc.

Luật sư Phúc cho biết, tại cơ quan điều tra, ông Hoàng Đình Khiếu - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình (khoa này có đơn nguyên: Đơn nguyên thận nhân tạo và Đơn nguyên Hồi sức tích cực) khai, thời điểm xảy ra sự cố 29/5/2017, Bộ Y tế chưa ban hành quy trình sau khi sửa chữa hệ thống máy móc chạy thận phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm, xét nghiệm như nào và ở đâu.

Tại các phiên xét xử trước, bị cáo Hoàng Công Lương nhiều lần khai rằng, chỉ được trưởng khoa phân công xuống Đơn nguyên thận nhân tạo làm nhiệm vụ bác sĩ điều trị, hoàn toàn không được phân công phụ trách, quản lý tại đơn nguyên này. Cho nên, bị cáo Lương khẳng định, không có trách nhiệm liên quan đến chất lượng nguồn nước RO của máy chạy thận.

Ngoài ra, trong phần tranh tụng của của mình chiều nay, luật sư Phúc còn đưa ra thông tin BVĐK tỉnh Hòa Bình tiến hành chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân chưa được cấp phép suốt 6 năm (từ năm 2010-2016).

Cụ thể, ngày 8/3/2010, BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo, và ngày 15/3/2010 chính thức hoạt động. Ngày 20/6/2016, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình mới phê duyệt kỹ thuật bổ sung thêm phê duyệt danh mục kỹ thuật bổ sung chức năng lọc máu, chạy thận cho bệnh viện này. Chính vì vậy, suốt 6 năm bệnh viện này chạy thận không phép.

Từ lập luận trên, Luật sư Phúc cho rằng, VKS buộc tội cho bị cáo Hoàng Công Lương là không có căn cứ, ở đây, cần phải xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý là BVĐK tỉnh Hòa Bình và cơ quan chủ quản ngành y tế.

Nguyễn Dương