Xử tái thẩm vụ án oan sai 10 năm là "lấp liếm" cái sai?
(Dân trí) – Ông Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: “Nếu thực hiện xét xử tái thẩm vụ án "giết người" mà ông Chấn bị kết án chung thân là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó”.
Ông có nhận định gì về việc, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSNDTC) kháng nghị tái thẩm và Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đưa ra xét xử tái thẩm vụ án “giết người” mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân?
Ông Vũ Đức Khiển: Tôi khẳng định việc này là sai. Bộ luật Hình sự quy định, việc điều tra chứng minh bị can có tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được thì phải tuyên bố họ vô tội. Giờ đã điều tra xác định ông Chấn hoàn toàn bị oan sai rồi thì phải minh oan cho người ta theo đúng trình tự thủ tục: kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, minh oan và đền bù cho người ta.
Không thể gộp hai vụ làm một để cho rằng đó là tình tiết mới và tiến hành tái thẩm. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình “lách” để lấp liếm đi cái sai của mình trước đó.
Lý do gì để nói rằng tình tiết Lý Nguyễn Chung ra đầu thú không phải là tình tiết để cơ quan tiến hành tố tục thực hiện tái thẩm?
Ông Vũ Đức Khiển: Tái thẩm có nghĩa là xuất hiện tình tiết mới, tức là xử tiếp nhằm xem xét hành vi của người phạm tội nặng hơn hay nhẹ đi và không có đền bù. Tuy nhiên, nếu làm vậy là không đúng luật, vì ông Chấn đã được chứng minh là hoàn toàn bị oan, vụ án với ông Chấn đã kết thúc.
Cơ quan tiến hành tố tụng không thể lấy chi tiết Chung ra đầu thú là tình tiết mới của vụ án để tiến hành tái thẩm. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau và phải là hai vụ án hoàn toàn độc lập.
Sau khi Chung ra đầu thú, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải có trách nhiệm điều tra, chứng minh hành vi phạm tội của Chung. Sau đó, dựa trên lời khai và các chứng cứ khách quan để truy tố, kết tội đối tượng này. Tuyệt nhiên, không thể nhập hai việc này vào một để cho rằng đó là tình tiết mới để tái thẩm.
Theo đúng trình tự thủ tục, Viện KSNDTC phải kháng nghị giám đốc thẩm và TANDTC phải xử giám đốc thẩm để tuyên ông Chấn không phạm tội, chính thức minh oan và bồi thường cho người ta.
Tôi khẳng định, việc xét xử kẻ ra đầu thú là một vụ án khác, phải mở một cuộc điều tra khác, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai của đối tượng mà đưa ra xét xử.
Trong vụ án oan sai này, theo ông cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cao nhất?
Ông Vũ Đức Khiển: Có một số ý kiến cho rằng tòa án là cơ quan phải chịu trách nhiệm cao nhất. Cái lý của họ là căn cứ vào Điều 72 Hiến pháp 1992 quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, theo tôi, Viện kiểm sát là cơ quan phải chịu trách nhiệm cao nhất. Bởi Viện kiểm sát được Hiến pháp quy định là cơ quan giữ quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đó là cơ quan kiểm sát điều tra ngay từ đầu, từ khi phê chuẩn bắt giam, phê chuẩn khởi tố, truy tố và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án mà tòa tuyên.
Rất tiếc trong vụ việc này, phía Viện kiểm sát đã không phát hiện ra những dấu hiệu oan sai.
Cơ quan và cá nhân nào sẽ phải bồi thường cho ông Chấn, thưa ông?
Ông Vũ Đức Khiển: Căn cứ theo Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong vụ việc này TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thanh Chấn, cả về vật chất lẫn tinh thần theo Luật bồi thường của Nhà nước. Hội đồng xét xử của TAND Tối cao đã xử anh Chấn cũng phải có trách nhiệm trong việc này.
Quy định nhà nước cũng ghi rõ những cá nhân liên quan trực tiếp, để gây ra oan sai cũng có trách nhiệm phải bồi hoàn lại bằng việc trích lương hàng tháng của mình. Tuy nhiên, ở ta hiện nay, việc quy trách nhiệm cá nhân trong trường hợp này còn rất khó khăn.
Phúc Hưng (Thực hiện)