1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Huế:

Xét xử giám đốc đưa hơn 1 tỷ đồng tiền “hoa hồng” cho đối tác

(Dân trí) - Tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với ông Lê Hữu Lam, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã phải kéo dài thời gian nghị án do có nhiều tình tiết phức tạp.

Theo đó, kết thúc 1 ngày xét xử vào chiều 27/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đến ngày 30/11/2018 sẽ tuyên án vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế). Lý do theo chủ tọa phiên tòa là vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần phải làm rõ.

Trong vụ án này, các bị cáo bị đưa ra xét xử là ông Lê Hữu Lam, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và ông Nguyễn Lợi, nguyên Trưởng Phòng Tài chính - kế hoạch của Trung tâm này.

Qua cáo trạng của Viện KSND tỉnh, từ năm 2011- 2015, ông Lê Hữu Lam đã chỉ đạo ông Nguyễn Lợi nâng khống chi phí giao khoán tiền công thực hiện công trình quy hoạch nông thôn mới 4 xã của huyện A Lưới từ 35% lên 75%. Qua đó, số tiền hơn 172 triệu đồng được nâng lên thành hơn 369 triệu đồng. Số tiền chênh lệch ra là hơn 197 triệu đồng đã được ông Lam chỉ đạo để ngoài sổ sách, sử dụng vào các chi phí nhưng không có hóa đơn chứng từ, gây thiệt hại cho Trung tâm.

Tiếp theo, trong quá trình chỉ đạo và điều hành Trung tâm, ông Lam đã đưa ra chủ trương thông qua khoán sản phẩm cho người lao động để giữ lại số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Số tiền này chi cho các hoạt động của Trung tâm và chi tiền “hoa hồng” cho các chủ đầu tư.

Cụ thể, ông Lam đã chi số tiền hơn 1,6 tỷ đồng để phục vụ cho lợi ích cán bộ công viên chức, người lao động của Trung tâm như chi thưởng lễ, tết, ốm đau, hiếu hỷ, công đoàn; và chi phần “hoa hồng” trăm giá trị công trình cho chủ đầu tư với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Lợi đã thực hiện sự chỉ đạo của ông Lam.

Giám đốc Lam (áo đen) và ông Lợi tại phiên xét xử
Giám đốc Lam (áo đen) và ông Lợi tại phiên xét xử

Cáo trạng của VKSND tỉnh cho rằng, khoản tiền hơn 1,1 tỷ đồng chi “hoa hồng” phần trăm cho các chủ đầu tư nhưng không có người nhận và khoản tiền nâng khống chi phí tiền công khoán hơn 197 triệu đồng sử dụng để bù chi phí không có hóa đơn chứng từ thanh toán cần buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hành vi trên của ông Lam và ông Lợi đã vi phạm vào khoản 1 và khoản 3 Điều 14 Luật Kế toán năm 2003, gây thiệt hại cho Trung tâm hơn 1,3 tỷ đồng, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, bị cáo Lê Hữu Lam cho rằng số tiền hơn 197 triệu đồng là chi phí có thật do cán bộ, nhân viên Trung tâm đã tạm ứng để phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới và phục vụ lợi ích cho cán bộ công nhân viên chứ không phải gây thiệt hại cho Trung tâm.

Riêng khoản tiền hơn 1,1 tỷ đồng chi “hoa hồng” cho các chủ đầu tư, ông Lam nói đây là tiền công khoán của người lao động và được người lao động tự nguyện trích lại để thưởng cho các tập thể, cá nhân đã giao việc làm cho đơn vị trong thời gian từ 2011-2015. Vì vậy, đây không phải là tiền của trung tâm như quy kết của cơ quan điều tra và cáo trạng của viện kiểm sát, nên ông không gây thiệt hại cho trung tâm.

Ông Lam bào chữa trước tòa là Trung tâm ông đã họp và thống nhất việc chi “hoa hồng” cho các chủ đầu tư. Đây là khoản tiền phần trăm giá trị công trình chi lại cho chủ đầu tư đã giao việc cho Trung tâm. Tiền này là một phần trong tiền khoán sản phẩm của người lao động được trích lại để Trung tâm đi giao dịch và chi “hoa hồng” cho chủ đầu tư.

Qua cơ chế đã thống nhất ở Trung tâm này, sau khi chủ đầu tư chuyển tiền thanh toán công trình, bộ phận kế toán của Trung tâm tính toán số tiền cụ thể như đã thống nhất với người lao động rồi giao cho thủ quỹ chi tiền và giao cho ông Lam đại diện Trung tâm chuyển tiền “hoa hồng” cho chủ đầu tư.

“Tiền hoa hồng này chi cho chủ đầu tư nhằm nhằm khuyến khích, động viên chủ đầu tư đã quan tâm giao việc cho đơn vị, giúp đơn vị hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao và nâng cao thu nhập cho người lao động” - ông Lam nói.

Trên cơ sở này, bị cáo Lam khẳng định mình không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả Nghiêm trọng”. Hiện Hội đồng xét xử quyết định kéo dài thời gian nghị án. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tuyên án vào lúc 15h chiều ngày 30/11 sắp tới.

Ông Lam bị bắt vào tháng 8/2017 vì có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong gian đoạn từ năm 2011 - 2015, gây hậu quả nghiêm trọng
Ông Lam bị bắt vào tháng 8/2017 vì có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong gian đoạn từ năm 2011 - 2015, gây hậu quả nghiêm trọng

Như Dân trí đã thông tin vụ việc vào tháng 8/2017, ông Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện việc tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Lê Hữu Lam đã có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong gian đoạn từ năm 2011 - 2015, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, ông Lam đã ký khống các chứng từ kế toán để lập quỹ trái phép, có dấu hiệu tham nhũng, đưa hối lộ với số tiền vi phạm lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Đại Dương