1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Gia Lai

Xét xử đường dây làm bằng cấp giả giao dịch qua mạng trót lọt suốt hơn 2 năm

(Dân trí) - Nắm bắt được nhu cầu nhiều người cần bằng cấp, giấy tờ giả để thăng tiến công việc, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2014 đến 3/2016, Hoàng Đức Huấn cùng các đồng phạm đã tổ chức làm giả, mua bán hàng trăm bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác thông qua mạng internet trót lọt.

Hôm nay (6/1), TAND Tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử và tuyên phạt bị cáo Hoàng Đức Huấn (sinh năm 1986, ngụ tại Đan Phượng, TP Hà Nội) mức án 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Liên quan đến vụ án, 9 đồng phạm còn lại cũng bị xử phạt từ 18 tháng đến 2 năm tù, trong đó có 2 bị cáo được hưởng án treo.

Theo cáo trạng, ngày 23/2/2016, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Công an phường Chi Lăng (TP Pleiku, Gia Lai) bắt quả tang Bùi Thị Mỹ Phương cùng chồng là Đinh Thanh Lam đang bán chứng chỉ tiếng Anh trình độ C giả cho một đối tượng (không rõ nhân thân, lai lịch) tại quán cà phê Noel (phường Chi Lăng, TP Pleiku). Từ đây, công an mở rộng điều tra và bắt giữ Huấn cùng những đối tượng khác.

Các bị cáo trước vành móng ngựa
Các bị cáo trước vành móng ngựa

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, từ tháng 12/2014 đến 3/2016, Hoàng Đức Huấn cùng các đồng phạm đã tổ chức làm giả và mua bán các văn bản, chứng chỉ thông qua mang internet. Huấn là đầu mối chính của quá trình làm giả, mua bán văn bản, chứng chỉ và các tài liệu khác. Ban đầu, Huấn mua 14.000 phôi chứng chỉ tiếng Anh, tin học và 4.400 tem bảy màu từ một người phụ nữ tên Huyền và một người tên Nguyên (đều không rõ nhân thân, lai lịch) với ý đồ tự mình in bằng cấp giả nhưng không thực hiện được nên quyết định bán lại cho đối tượng Trịnh Văn Chung 2000 bộ phôi, tem giả cùng 1 bằng Đại học Mỏ Địa chất và 50-60 chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Sau đó, Huấn tìm mua văn bằng, chứng chỉ giả trên mạng và cùng các đối tượng trong đường dây mua đi bán lại nhằm kiếm lợi bất chính.

Ngoài việc mua bán chứng chỉ với người trong đường dây, bị cáo Lê Quang Lâm và Trịnh Văn Chung còn mua của trung tâm Centech (Thanh Xuân, Hà Nội) 46 chứng chỉ tiếng Anh, tin học và 1 chứng chỉ kế toán, bị cáo Lê Quang Phát mua của trung tâm Inec (Hà Nội) 1 chứng chỉ sư phạm mầm non, 1 chứng chỉ Toeic cùng 50 chứng chỉ các loại.

Cơ quan điều tra đã xác định được 360 đối tượng mua văn bằng, chứng chỉ giả, thu giữ 269 chứng chỉ tiếng anh, tin học, 1 bằng cao đẳng nghề, 1 chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, 1 chứng chỉ nghiệp vụ thư viện, 1 chứng chỉ kế toán trưởng trưởng. Tổng số tiền hưởng lợi bất chính khoảng 141 triệu đồng.

Quốc Huy- Tuệ Mẫn