Xét xử đại án BIDV: Nói lời sau cùng, một bị cáo kêu oan
(Dân trí) - Trong lời nói sau cùng, các cựu lãnh đạo và cán bộ BIDV đều mong HĐXX xem xét điều kiện khách quan của vụ án để đưa ra mức án nhẹ nhất cho mình. Duy nhất cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà vẫn kêu oan.
Chiều 29/10, phiên xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng kết thúc phần tranh luận. Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được quyền nói lời sau cùng.
Trong lời sau cùng trước tòa, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang cho biết, bản thân cảm thấy đau xót khi phải đứng tại phiên tòa. Cho rằng lĩnh vực kinh doanh ngân hàng có rất nhiều rủi ro, cộng thêm áp lực từ nhiều phía, ông Lang mong HĐXX ghi nhận những đóng góp của mình trong việc phát triển kinh tế đất nước. Ngoài ra, ông còn được tặng thưởng nhiều huân, huy chương; tích cực tham gia thu hồi khoản tiền thiệt hại cho BIDV…
Cựu Phó TGĐ BIDV Đoàn Ánh Sáng và các bị cáo khác cũng cho biết đã nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình và mong muốn HĐXX xem xét, ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ của bản thân để các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) giãi bày, quá trình ở trong trại tạm giam, làm việc với cơ quan điều tra, nhận cáo trạng cũng như trong quá trình xét xử, bị cáo nhận thức rõ tội trạng của mình. Bị cáo thấy hối tiếc, ân hận khi để xảy ra các sai phạm.
Bày tỏ mong muốn được hưởng hình phạt nhẹ nhất, ông Chính còn đề nghị HĐXX xem xét khoan hồng cho các cựu cán bộ của BIDV phải hầu tòa trong vụ án này.
Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Cty Bình Hà) tiếp tục cho rằng bản thân bị oan.
“Bị cáo oan sai đến giờ phút này đã gần 3 năm. Bị cáo kiến nghị HĐXX xem xét lại các tình tiết để sớm được minh oan.” - bị cáo Dũng nói.
Trước đó, trong phần tự bào chữa, ông Dũng nói rằng bản thân không chỉ đạo cấp dưới bán bò thịt để chiếm đoạt tiền của BIDV. Trong hợp đồng ký với các đơn vị môi giới, ông chỉ ký thỏa thuận, không chỉ đạo việc chuyển tiền lòng vòng qua trung gian. Bị cáo này khẳng định bản thân rất tâm huyết với dự án chăn nuôi bò thịt của Cty Bình Hà, đồng thời kiến nghị cơ quan tố tụng rút nội dung truy tố đối với mình.
Trong khi đó, một cựu TGĐ khác của Cty Bình Hà là Trần Anh Quang lại tỏ ra ăn năn, hối lỗi về hành vi phạm tội của mình. Ông Quang gửi lời xin lỗi tới các lãnh đạo BIDV từ Hội sở chính tới chi nhánh Hà Tĩnh vì hành vi của ông mà BIDV thất thoát tài sản.
HĐXX nghị án kéo dài. 14h thứ Hai, ngày 2/11, tòa sẽ tuyên án.
Quy trình 2 tuần, “làm tắt” chỉ 5 ngày
Trước đó, tự bào chữa trước tòa, bị cáo Ngô Duy Chính giải thích việc cho Cty Trung Dũng vay tiền. Theo ông Chính, Trung Dũng là doanh nghiệp nhỏ, chưa có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, đối với các khoản vay và phát hành L/C (thư tín dụng) đối với doanh nghiệp này, ông Chính nhận thấy ông Trần Bắc Hà có sự quan tâm “đặc biệt” đối với Trung Dũng. Do đó, mặc dù biết là “quy trình ngược” nhưng do bị áp lực, ông Chính và các cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn phải làm theo.
Theo lời ông Chính, ông Trần Bắc Hà từng chỉ đạo rằng Trung Dũng là đối tác chiến lược. Cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành cho biết, nếu làm đúng quy định, món vay của Trung Dũng phải mất 2 tuần mới làm xong, nhưng ông Trần Bắc Hà cho “làm tắt” nên chỉ mất 5 ngày.
“Vai trò của bị cáo là đồng phạm thứ yếu. Bị cáo là Giám đốc nhưng không bao giờ chỉ đạo tắt hay sai quy trình hoặc sai số liệu, hoàn toàn phòng nghiệp vụ làm.” - bị cáo Chính khẳng định.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV, cho biết, trong vụ án này, BIDV được xếp là bị hại. Vì vậy, BIDV có quyền đề nghị mức hình phạt với các bị cáo, đưa ra bồi thường và phương án bồi thường với thiệt hại tại BIDV.
Luật sư Thiệp cho rằng, bản chất hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh rủi ro, những khoản vay đều có khả năng rủi ro. Đối với khoản vay của Cty Bình Hà, đây là dự án nông nghiệp được ưu tiên phát triển, được tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ. BIDV đã giải ngân đúng địa chỉ, đúng đơn vị.
Thời gian đầu, Bình Hà trả lãi đều. Sau khi gặp khó khăn, chi phí tại doanh nghiệp này bị đẩy lên, cùng với đó là ảnh hưởng của bão nặng nề khiến dự án không đạt được mong muốn như ban đầu, thậm chí phát sinh khoản nợ dẫn đến BIDV có nợ xấu. Sau khởi tố, dư nợ gốc của Bình Hà hơn 1.250 tỷ đồng. Công ty Bình Hà phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.
Đối với khoản vay của Công ty Trung Dũng, luật sư Thiệp cho rằng, doanh nghiệp này là khách hàng mục tiêu, khách hàng loại A, được hưởng chính sách mở rộng. Doanh nghiệp của bị cáo Đoàn Hồng Dũng kinh doanh thép nhưng gặp khó khăn, khi phát hiện không trả nợ được cho BIDV, ngân hàng đã đôn đốc chi nhánh Hà Thành thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Hiện, số dư nợ của doanh nghiệp này còn hơn 800 tỷ đồng nợ gốc, việc này buộc Trung Dũng tiếp tục trả nợ gốc và lãi cho BIDV. Luật sư Thiệp cũng đề nghị tòa tuyên bị cáo Đoàn Hồng Dũng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn phải liên đới bồi thường số tiền hơn 263 tỷ đồng cho BIDV.
Về trách nhiệm của 8 cựu lãnh đạo, cán bộ tại BIDV, luật sư Thiệp đề nghị áp dụng mức án thấp nhất có thể với những người này, do họ đã có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, có vai trò thứ yếu, không vì tư lợi và các bị cáo đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án. Bên cạnh đó, luật sư khẳng định, 8 cựu cán bộ BIDV chỉ là người làm công ăn lương, đề nghị HĐXX không buộc họ phải bồi thường dân sự.