Đắk Nông:
Vượt cả trăm cây số để được đoàn tụ… trong trại giam
(Dân trí) - Có những nụ cười hạnh phúc, có những ánh mắt nhìn thân thương và có cả những giọt nước mắt giấu vội. Ngày cuối năm, ai cũng mang trong mình một tâm trạng, một cảm xúc riêng, nhưng tất cả đều có chung một khát vọng hoàn lương, chờ ngày đoàn tụ.
Giáp Tết, hòa cùng không khí hối hả chuẩn bị để đón một cái Tết đoàn viên, ấm cúng của người dân cả nước, không khí tại khu thăm gặp phạm nhân của Trại giam Đắk P’Lao (Tổng cục VIII, Bộ Công an) cũng hối hả, vội vã, náo nhiệt hơn ngày thường bởi hàng trăm lượt người thân đến thăm phạm.
Có mặt tại Trại giam Đắk P’Lao vào ngày cuối cùng các gia đình phạm nhân được phép thăm phạm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từng dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ vào gặp người thân. Theo quy định, mỗi phạm nhân chỉ có một ít thời gian ngắn ngủi để được trò chuyện với thân nhân, đó là quãng thời gian vàng ngọc mà họ hết sức trân trọng trong những ngày đặc biệt này.
Không đủ để nói cặn kẽ mọi điều, họ chỉ biết động viên nhau giữ gìn sức khỏe, hứa cố gắng cải tạo tốt để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật và trở về bên gia đình, bạn bè. Và như lẽ thường, hầu hết những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, đều kết thúc bằng những giọt nước mắt dấu vội của cả kẻ ở, người về.
Trong căn phòng được ngăn cách bằng tấm kính trong suốt, một người vợ trẻ ngồi lặng lẽ, đôi mắt đỏ ngầu, vừa nói chuyện với chồng được vài câu, chị lại phải nhường điện thoại để đứa con trai gặp bố. Bé Mai Văn Hoàng V. (5 tuổi, trú tỉnh Đắk Nông) tỏ ra háo hức khi được gặp bố. Qua điện thoại, cậu bé khoe về bộ quần áo mới mà mẹ mua mặc Tết và không quên hỏi: “Bao giờ bố về với con”.
Lắng nghe cuộc trò chuyện giữa chồng và con trai, chị L. liên tục lấy tay lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt hốc hác. Chị bảo: “Anh ấy chấp hành án được hơn 2 năm rồi, năm nay là năm thứ 3 thằng bé không có bố bên cạnh ăn Tết. Sợ con buồn, nên 4h sáng nay, ba mẹ con khăn gói lên thăm bố, bố con gần gũi nhau mấy chục phút cũng là quý rồi. Chỉ mong sao anh ấy cải tạo tốt, để gia đình sớm đoàn tụ”.
Cách đó không xa, hai mẹ con bà Trần Thi Ph. (ngụ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cũng bịn rịn không nói thành lời. Gia đình khó khăn, đường sá xa xôi nên mỗi năm bà Ph. chỉ bắt xe đò lên thăm con trai một lần. Mỗi lần thăm gặp, bà đều cố gắng mang cho người con trai đầu đang chấp hành án 7 năm tù ít bánh trái quê nhà cho con vơi bớt nỗi buồn.
Suốt 5 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ tầm khoảng ngày 27-28 Tết là hai mẹ con bà Ph., lại vào đây, vừa để thăm, vừa để động viên con trong dịp đặc biệt này. Bà Ph. cho biết, con trai chẳng may vướng vào vòng lao lý, phận làm mẹ đứt từng khúc ruột. Thương con, nên dù năm hết, tết đến nhưng năm nào bà cũng sắp xếp lên thăm con. Mỗi lần đi phải chuẩn bị đồ đạc từ mấy ngày trước, hơn 12h đêm đã phải thức dậy đón hai chuyến xe đi từ Bù Đăng (Bình Phước) mới tới được Trại giam Đắk P’Lao này.
“Từ ngày nó đi chấp hành án, Tết buồn trông thấy, cũng chẳng muốn sắm sửa gì. Bây giờ chỉ mong con nhận ra lỗi lầm của mình, cố gắng cải tạo để trở về nhà. Dù nghèo khó, nhưng gia đình có mặt đầy đủ để ăn bữa cơm tất niên là hạnh phúc rồi”, đôi mắt của người mẹ nghèo rơm rớm khi nhắc đến ước mong của mình.
Tương tự bà Ph., chị Lê Thị Tố Ng. (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) mỗi năm cũng chỉ sắp xếp lên thăm em trai đang thụ án 5 năm tù một lần. Mặc dù cả năm mới lên thăm em, lại chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại, nhưng thấy em thay đổi tính nết, lại tu trí hướng thiện nên chị Ng. rất vui mừng.
“Lần nào lên thăm, gia đình tôi cũng động viên em cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, đặc xá của Nhà nước. Có lẽ chính nhờ ý thức được việc đó nên em đã rất cố gắng và lần này được Ban giám thị xét cho thăm gặp. Tết cổ truyền đang cận kề, hai chị em chỉ gặp nhau nửa tiếng đồng hồ, thấy em mạnh khỏe, biết ăn năn hối cải là may mắn rồi !’, chị Ng. ngậm ngùi.
Theo trại giam Đắk P’Lao, những phạm nhân được gặp người thân lần này đều là những người có quá trình cải tạo tốt. Ngoài ra để phạm nhân có an tâm đón Tết trong trại, Ban giám thị đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với hy vọng mang lại cho họ một cái Tết ấm áp, thấm đẫm nhân văn, giúp họ xóa đi mặc cảm, yên tâm cải tạo sớm nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Dương Phong