Vụ trường Gateway: Nhiều mâu thuẫn trong đối chất lời khai bị cáo
(Dân trí) - Trong khi bị cáo Nguyễn Bích Quy cho rằng mình không được ký hợp đồng làm việc với công ty Ngân Hà (đơn vị trường Gateway thuê đưa đón học sinh) và không được tập huấn nghiệp vụ thì phía công ty Ngân Hà phản bác lại, cho rằng có tổ chức tập huấn nhưng bà Quy bận việc riêng không đến...
"Thấy không còn cháu nào bước xuống nên tôi đóng cửa xe"
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Bích Quy (SN 1964, nhân viên giám sát trên xe của Công ty Ngân Hà) bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Cầu Giấy (Hà Nội) truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bà Quy do cẩu thả trong việc kiểm tra, quản lý học sinh đến lớp khiến cháu Lê Hoàng L. (sinh ngày 13/6/2013, trú tại phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy; học sinh lớp 1 Tokyo, trường Gateway) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón vào ngày 6/8/2019.
Trình bày trước tòa, bà Quy cho biết, công việc hàng ngày là cùng ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, lái xe ô tô đưa đón học sinh trường Gateway) đến các điểm đón học sinh rồi đưa các cháu vào trường lên khu vực tầng 2 để ăn sáng. Sau khi ăn sáng xong, bà Quy sẽ trực tiếp ghi số lượng các cháu học sinh đã đón nhận vào Sổ nhật ký xe buýt.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc tập huấn khi đưa đón học sinh, bị cáo Quy khai rằng đã không được tập huấn. Đối với Công ty Ngân Hà, bị cáo Quy khai không ký hợp đồng về việc đưa đón học sinh, chỉ trao đổi miệng và nhận lời vào làm việc qua ông Lê Đoàn - Phó giám đốc công ty này.
Tuy nhiên, đối chất tại phiên tòa với lời khai từ Công ty Ngân Hà, ông Lê Đoàn - Phó Giám đốc công ty - cho biết, đơn vị này có thực hiện tập huấn công việc đối với các nhân viên khi đưa, đón các cháu học sinh, kí sổ điểm danh.
Theo ông Đoàn, trong năm học 2019 – 2020, trường Gateway có tổ chức đợt tập huấn cho lái xe và nhân viên xe buýt. Lúc này, nhà tường đã gửi mail sang phía công ty.
“Khi nhận được thông báo về lịch tập huấn, tôi có thông báo cho ông Phiến và bà Quy. Trước là nhắn tin, sau là gọi điện cho từng người. Hôm đấy, cả 2 người đều nghỉ do nhà có công việc” - ông Đoàn nói.
Kể lại vụ việc xảy sáng 6/8, bị cáo Quy khai khoảng 6h15 sáng cùng ngày, bà tự đi xe đến trường Gateway, để xe tại đây và lên xe ô tô của ông Phiến đi đón 13 cháu học sinh theo kế hoạch.
Khoảng 7h, cháu L. từ trên nhà xuống cùng một người phụ nữ. “Lúc đó, cháu khỏe mạnh bình thường và tự lên xe. Cháu ngồi hàng ghế thứ 4 (từ trên xuống), ngồi gần cửa sổ, đeo ba lô màu đỏ quai xanh” - bị cáo Quy nói. Sau khi đón cháu L., bà tiếp tục đón 7 cháu học sinh khác.
Hơn 7h, xe đưa đón đến trường và bị cáo Quy là người trực tiếp mở cả hai cửa xe cho các cháu xuống. Vì có 2 cháu học sinh khóc quấy nên bà Quy đã đeo ba lô cho 2 cháu này và dỗ dành.
“Tôi bế 1 cháu và dắt tay cháu còn lại. Tôi thấy không còn cháu nào xuống nên đóng cửa và đi thôi, không lên xe kiểm tra lại xem cháu L. đã xuống hay chưa. Sau khi ghi đủ 13 cháu vào sổ, tôi di chuyển về nhà” - bị cáo Quy khai.
Về diễn biến vụ việc xảy ra vào chiều 6/8, theo bà Quy, khi tan học thì bà cùng 9 cháu học sinh (3 cháu được gia đình tự đón về) đứng đợi ở cổng trường nhưng cháu L. không có mặt. Khoảng hơn 16h, khi tôi mở cửa xe ô tô thì nghe thấy các cháu học sinh hô lên có người chết.
“Trên xe, cháu L. nằm ngửa còn chân tay duỗi thẳng. Tôi sợ quá không nói được điều gì thì có 1 người chạy đến bế cháu L. chạy vào trường” - bà Quy trình bày.
Giáo viên chủ nhiệm không điền sĩ số thật lên bảng
Đến lượt bản thân trả lời phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, trường Gateway) cho biết, vừa kí hợp đồng lao động với trường Gateway và được phân công làm giáo viên chủ nhiệm.
Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm phải điểm danh học sinh, ghi sỹ số lên góc bảng, cập nhật kết quả điểm danh lên phần mềm của nhà trường, liên hệ với phụ huynh… Song, bị can Nguyễn Thị Thủy biết vắng cháu L. nhưng đã không thực hiện các công việc của giáo viên chủ nhiệm.
Trong vụ án này, Thủy bị cáo buộc phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tiếp tục trình bày trước tòa, bị cáo Thủy nức nở kể lại, bản thân đã được phía nhà trường tập huấn về các kĩ năng điểm danh, vận hành phần mềm quản lý Sycamor của nhà trường. Tuy nhiên, dù có tham gia các buổi tập huấn nhưng Thủy vẫn chưa thành thạo các thao tác trong phần mềm này.
Liên quan đến phương thức liên hệ giữa giáo viên đối với phụ huynh, Thủy cho biết có 3 cách là qua email, qua điện thoại chung của nhà trường hoặc hệ thống phần mềm.
“Ngày 6/8, bị cáo có điểm danh và thấy thiếu học sinh Lê Hoàng L. Thấy thiếu cháu L. nhưng tôi đã không điền sĩ số thực tế lên bảng. Hôm đó, tôi sang nhờ giáo viên khác hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý. Không nhờ được, tôi đã nhờ người giáo vụ cập nhật sĩ số lên hệ thống giúp” - bị cáo Thủy nói.
Trước đó, trả lời phần xét hỏi, bị cáo Doãn Quý Phiến cho biết đồng tình với bản cáo trạng truy tố tội “Vô ý làm chết người” của VKS. Ông Phiến cho hay, danh sách phía Công ty Ngân Hà đưa ra cho ông chỉ thể hiện nội dung về cung đường di chuyển, địa chỉ đón nhận học sinh.
“Nhiệm vụ của tôi chỉ có đi theo cung đường đón các cháu thôi. Cháu nào nghỉ thì không cần phải đón ở điểm đấy. Việc này, bà Quy sẽ thông báo” - ông Phiến nói.
Theo ông Phiến, trong xe ô tô có gương chiếu hậu nhưng vì chỉ ngồi trên ghế lái nên ông không thể quan sát hết các học sinh trên xe. Lúc lái xe về Ký túc xá Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bị cáo này không phát hiện có gì bất thường ở khoang ghế ngồi.
“Bị cáo đưa đón mà không xuống xe. Đưa xe đến trường cũng không kiểm tra lại. Đưa học sinh xong thì lái xe tới chỗ gửi rồi về nhà. Trách nhiệm của bị cáo trong vụ việc này là đã không kiểm tra khoang hành khách khi đưa đón các cháu” - ông Phiến khai nhận và cho biết không để ý đến quả bóng bay trên xe khi được HĐXX hỏi về chi tiết này.
Cũng trong sáng nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi các nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Khoảng 12h30, phiên tòa kết thúc và tiếp tục xét xử vào buổi chiều.
Nguyễn Trường