Vụ thầy dạy lái xe cho Ngọc Trinh bị khởi tố, thấy gì từ việc mua bằng giả?
(Dân trí) - Bằng lái xe giả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội giá chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng. Việc quảng cáo, tìm khách hàng nở rộ qua các hội nhóm kín.
Vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Xuân Đông (36 tuổi, ngụ quận 4) về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Gây rối trật tự công cộng. Đông là thầy dạy lái xe cho người mẫu Ngọc Trinh.
Cơ quan điều tra xác định, Trần Xuân Đông có hành vi mua xe mô tô phân khối lớn có giấy tờ giả để sử dụng. Bị can này khai mặc dù biết giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô là giả, nhưng thấy mô tô mang biển kiểm soát số 59A3-115.88, nhãn hiệu BMW có giá rẻ nên vẫn cố ý mua về sử dụng.
Nhu cầu rao bán làm giấy tờ xe giả không phải là trường hợp hiếm hoi. Chỉ cần gõ cụm từ "thi bằng lái xe" trên mạng xã hội Facebook, có tới hàng chục hội nhóm kín lẫn công khai với sự tham gia của hàng nghìn người. Bên trong các hội nhóm này, mỗi ngày có tới hàng chục bài đăng rao bán làm bằng lái xe máy, ô tô giá rẻ, và các gói thi bằng lái dành cho người "không có thời gian".
Nở rộ các hội nhóm mua bán bằng lái giả
Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc điều tra, xử lý các trường hợp mua bán, sử dụng bằng lái xe giả, tuy nhiên thời gian gần đây tình trạng mua bán bằng lái xe giả vẫn tiếp tục tái diễn, công khai trên mạng xã hội. Họ hoạt động dưới vỏ bọc có tên "trung tâm sát hạch lái xe" để tư vấn, rao bán bằng lái giả.
Nhập vai vào một vị khách, phóng viên liên hệ với trang có tên "Thầy H.P. Trung Tâm Sát Hạch Lái Xe" thông qua quảng cáo trên Facebook.
Sau khi nhắn tin, vờ mua bằng lái xe, trang này lập tức phản hồi: "Hãy để lại số điện thoại để được tư vấn cụ thể". Khi phóng viên gửi số, một người liên hệ lại, giới thiệu tên Phát, là nhân viên tiếp nhận hồ sơ của một trung tâm sát hạch lái xe có trụ sở tại TPHCM.
Theo người này, để có bằng lái xe hạng A1, người mua cần trả 1,5 triệu đồng. "Bên em sẽ nộp hồ sơ lên trung tâm, sau đó sẽ có người thi hộ cho anh. Bên em cam kết đầy đủ hồ sơ gốc đi kèm, có mã QR của Bộ Giao thông Vận tải. Không cần cọc trước, khi nhận bằng anh kiểm tra, nếu có vấn đề gì cứ trả lại. Khoảng 3 đến 5 ngày, anh sẽ nhận được bằng", người này tư vấn.
Tương tự, phóng viên tiếp cận một nhóm khác có tên "Làm giấy tờ giả", hoạt động công khai, với hơn 55.000 người tham gia. Tại đây có hàng loạt bài đăng rao bán bằng lái, giấy tờ giả. "Nhận làm tất cả các loại giấy tờ, chuyên làm sổ hồng, sổ đỏ, sổ tiết kiệm, tem đăng kiểm, bằng lái xe, giấy tờ tùy thân,…", đó là một trong hàng trăm lời mời chào khách đã đăng tải.
Liên hệ với một người có tên H.A. trong nhóm nói trên, người này nhận mình là đầu mối chuyên sản xuất, cung cấp trực tiếp bằng lái xe không qua trung gian. "Nếu lấy số lượng lớn, bên mình sẽ có mức giá hợp lý. Lấy tầm 20 bộ trở lên thì mỗi bộ bằng lái xe máy chỉ 1,3 triệu đồng, bằng lái ô tô 1,8 triệu đồng", H.A. nói.
Để khách tin tưởng hơn, người này đã gửi hàng loạt bằng lái, giấy tờ giả vừa làm xong cho khách. Anh ta nói để đảm bảo an toàn cho hai bên, phía người mua cần chuyển 500.000 đồng, sau đó bên người bán sẽ thực hiện làm mẫu 1 bản bằng lái theo thông tin khách hàng yêu cầu rồi gửi video xác nhận.
Có thể bị phạt tù đến 2 năm
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự ở TPHCM cho biết, bằng lái xe và giấy đăng ký xe được làm giả rất tinh vi, nhìn bằng mắt thường khó phát hiện.
Khi làm việc với người vi phạm, CSGT sẽ tra thông tin giấy phép lái xe qua ứng dụng chuyên ngành trên điện thoại di động mới phát hiện được thật hay giả. "Trên ứng dụng của Sở GTVT TPHCM có phần mềm tra cứu, bấm thông tin vào sẽ biết ngay", vị này nói.
Theo cán bộ CSGT, khi biết người vi phạm sử dụng bằng giả, lực lượng chức năng sẽ lấy thông tin sau đó báo cáo lên lãnh đạo, đề xuất xác minh. Công an sẽ làm rõ người vi phạm mua bằng ở đâu để có hướng xử lý tiếp theo.
Người dân muốn có bằng lái để sử dụng phương tiện cần phải đăng ký đi học, thi đúng nơi quy định của Sở GTVT và các trường dạy lái xe uy tín. Người dân tuyệt đối không nghe những lời quảng cáo trên mạng xã hội như mua bằng lái thật không cần thi để tránh hệ lụy về sau.
"Từ đầu năm đến nay, đơn vị phát hiện 2 trường hợp người lái xe máy dùng bằng giả", một cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 1 chia sẻ.
Bên cạnh đó, một cán bộ CSGT thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM (PC08) cho biết, khi kiểm tra giấy phép lái xe của người vi phạm, cán bộ sẽ vào ứng dụng của Sở GTVT TPHCM tra số seri, tên, tuổi… để kiểm tra ban đầu. Nếu muốn biết chính xác, CSGT phải gửi bằng lái nghi vấn qua Sở GTVT để xác minh.
Khi nào có kết luận của cơ quan có thẩm quyền CSGT mới xử lý. Đồng thời, CSGT sẽ gửi chứng cứ xác định bằng lái xe giả qua cơ quan cảnh sát điều tra làm việc với người mua bằng để làm rõ nơi mua, mục đích sử dụng…
Trao đổi với phóng viên, luật sư, Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, giấy phép lái xe hay bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể. Các loại giấy tờ này cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe bao gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải tại các địa phương.
Hành vi làm giả bằng lái xe và việc làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức như: sử dụng con dấu giả, in bằng giả,… là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam bởi xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính.
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, bị phạt từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
"Nếu hành vi phạm tội từ hai lần trở lên, làm giả từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10 đến 50 triệu sẽ bị phạt tù 2-5 năm", luật sư Hùng viện dẫn.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019 sửa đổi Nghị định 123/2021, người điều khiển xe khi sử dụng bằng giả có thể bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu giấy phép lái xe giả. Ngoài ra, theo Thông tư 12/2017 sửa đổi Thông tư 38/2019, người điều khiển xe khi sử dụng bằng giả sẽ không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm kể từ ngày phát hiện vi phạm.
Cũng theo vị luật sư, đối với người có hành vi bán giấy phép lái xe giả qua hình thức trực tiếp hoặc trung gian cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương tự như hành vi làm giả bằng lái xe hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với vai trò là đồng phạm giúp sức.
Để ngăn chặn hành vi này, theo luật sư Hùng, cơ quan chức năng cần xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên để đảm bảo đủ tính răn đe với những người vi phạm và có ý định vi phạm. Nếu có dấu hiệu của tội phạm, cần điều tra, truy tố và xét xử nghiêm khắc, góp phần làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật nói chung cũng như tăng hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép lái xe.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời phát hiện những hành vi sản xuất, mua bán bằng lái xe giả trên thị trường và có phương án xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.