Vụ thai phụ tử vong dưới hố công trình: Luật sư nói về vấn đề pháp lý
(Dân trí) - Luật sư cho rằng nếu đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn dẫn đến vụ việc, cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh), cho rằng sự việc chị N.T.N. (36 tuổi, trú xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) tử vong dưới hố công trình thi công đường điện là một tai nạn đau lòng, đáng tiếc.
Trong vụ việc này, luật sư Chiều cho hay, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, các chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình bao gồm:
"Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); nhà thầu thi công xây dựng; nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác".
Khi tham gia hoạt động xây dựng, các chủ thể này có đủ điều kiện năng lực theo quy định, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng và an toàn đối với các công việc do mình thực hiện trước pháp luật.
Do đó, khi có vi phạm ở giai đoạn nào mà một trong các chủ thể trên phụ trách thì những chủ thể này sẽ bị quy trách nhiệm ở giai đoạn đó. Còn các đơn vị khác sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm: "d. Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình;...".
Tại khoản 2, khoản 5 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng. Theo quy định này, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.
Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
"Như vậy, vấn đề đặt ra trong trường hợp này, tại khu vực thi công công trình, đơn vị thi công đã thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thi công xây dựng hay chưa?
Việc người phụ nữ sẩy chân chết là do nguyên nhân của việc không đảm bảo an toàn thi công xây dựng hay nguyên nhân nào khác, từ đó mới xác định được trách nhiệm của đơn vị thi công trong trường hợp này", luật sư Chiều phân tích.
Theo luật sư, trường hợp nếu trong quá trình thi công, đơn vị thi công không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thi công công trình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc người phụ nữ sẩy chân tử vong, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính vụ việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Đồng thời, người này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường do tính mạng bị xâm phạm.
Luật sư Chiều cũng cho rằng, qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần khuyến cáo chủ đầu tư, chỉ huy công trình, người lao động phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn; quán triệt, phổ biến kỹ các quy định từ đội ngũ cán bộ quản lý đến từng người lao động;
Cần triển khai lắp đặt đầy đủ các biển báo về an toàn, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực công trường khi thi công và nhanh chóng phục hồi hiện trạng mặt bằng các khu vực liên quan khi hoàn thành các hạng mục, tránh những hậu quả đau lòng tương tự xảy ra.
Như báo Dân trí đã đưa tin, sáng 11/11, chị N.T.N. cùng một số người hàng xóm đi đến cánh đồng ở xã Phù Lưu bắt ốc.
Trong quá trình này, chị N. bị rơi xuống hố công trình dẫn tới đuối nước. Thi thể nạn nhân được người dân, lực lượng chức năng tìm thấy sau đó.
Theo lãnh đạo xã Bình An, thời điểm gặp nạn, chị N. đang mang bầu ở tháng thứ 4, gia đình thuộc diện khó khăn.
Chưa bàn giao mặt bằng đã thi công
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Lộc Hà, sự việc thương tâm nêu trên xảy ra tại hố công trình thuộc Dự án đường dây và trạm biến áp 110kW đi qua địa bàn huyện này.
Dự án do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 135 tỷ đồng, đi qua 2 huyện Lộc Hà và Can Lộc. Đơn vị thi công là một công ty xây dựng điện có địa chỉ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Nơi thai phụ rơi xuống hố công trình tử vong thuộc cột số 35, nằm trên địa phận thôn Thanh Lương, xã Phù Lưu. Vị trí này đang vướng đất của 2 hộ dân với diện tích hơn 470m2 và đang vướng mắc về giá cả nên chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong.
Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Lộc Hà khẳng định chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng họ vẫn triển khai và dẫn tới sự việc đau lòng.
Một lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà khẳng định trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công vì chưa bàn giao mặt bằng mà đã thi công.