Quảng Bình:
Vụ phá rừng di sản: 17 lâm tặc và 1 trạm trưởng kiểm lâm lãnh án
(Dân trí) - Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại vùng lõi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt án tù với 17 lâm tặc, 1 trạm trưởng kiểm lâm.
Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Bình vừa mở phiên sơ thẩm, xét xử công khai vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng.
Theo bản cáo trạng, vào đầu năm 2018, sau khi thống nhất giá cả, Lê Văn Trung (SN 1981, trú thôn Hà Lời, thị trấn Phong Nha) đã nhận lời khai thác trái phép gỗ mun cho Mai Văn Dinh (SN 1970, trú tại bản Cóc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch)+.
Được sự hậu thuẫn về lương thực, thực phẩm, phương tiện từ Dinh, Trung đã tập trung lực lượng, tiến vào khu vực Khe Sã gần cột mốc 537 biên giới Việt-Lào, thuộc các tiểu khu 649, 650 của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiến hành khai thác gỗ lậu.
Nhóm lâm tặc tổ chức 3 lần khai thác: lần thứ nhất vào khoảng tháng 7/2018, tại tiểu khu 650, khai thác được 8 cây gỗ mun sọc và 4 cây gỗ các loại. Số gỗ này sau khi khai thác xong được gùi đến tập kết tại đường biên giới Việt-Lào.
Lần thứ hai vào khoảng tháng 10 và tháng 11/2018, khai thác tại tiểu khu 650 được 18 cây gỗ mun sọc và 15 cây gỗ các loại. Lần cuối cùng xảy ra trong tháng 1/2019, khai thác gỗ tại tiểu khu 649 gồm 19 cây mun sọc cùng 8 cây gỗ khác.
Như vậy, tính từ tháng 7/2018 đến tháng 1/2019, nhóm lâm tặc do Lê Văn Trung cầm đầu đã cưa hạ 72 cây gỗ các loại, khối lượng hơn 101m3; trong đó gỗ mun sọc có 45 cây, khối lượng hơn 60,2m3 cùng 27 cây gỗ các loại, khối lượng hơn 40m3.
Sau mỗi lần khai thác, các lâm tặc vận chuyển gỗ ra đường biên giới Việt-Lào tiến hành đo đếm và giao cho Mai Văn Dinh. Dinh cùng một đối tượng khác sử dụng xe ô tô chuyển gỗ mun sọc cất giấu tại địa điểm gần cột mốc 537.
Tổng số tiền Dinh trả cho Trung sau phi vụ phá rừng này là 550 triệu đồng. Trung đã hạch toán, trừ chi phí, số còn lại chia đều cho thành viên trong nhóm căn cứ vào số lần tham gia.
Qua 2 ngày tiến hành xét xử, HĐXX, TAND tỉnh Quảng Bình đã làm rõ vai trò, trách nhiệm từng bị cáo trong vụ án. Căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ, lời khai và thái độ thành khẩn, ăn năn, hối cải của các bị cáo, HĐXX tuyên phạt: Mai Văn Dinh và Lê Văn Trung cùng mức án 4 năm tù giam.
15 bị cáo khác tham gia vào vụ phá rừng này lãnh các mức án khác nhau gồm: Mai Kiên Cường và Trần Văn Viên cùng 3 năm 3 tháng tù giam, Trần Văn Hoan và Nguyễn Văn Hùng cùng mức án 3 năm 6 tháng tù, Trần Đức Dũng 2 năm 6 tháng tháng tù, Trần Xuân Vương 3 năm tù, Mai Văn Bình 2 năm 9 tháng tù, Trần Phúc An 2 năm 6 tháng tù, Hoàng Văn Hải 2 năm 3 tháng tù, Mai Văn Đông 2 năm 4 tháng tù, Hoàng Văn Hương 2 năm tù, Nguyễn Văn Hương 21 tháng tù, Nguyễn Xuân Hồng và Thái Văn Lợi cùng mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo, Nguyễn Trọng Tài 12 tháng tù treo.
Một đối tượng lâm tặc khác tham gia đầy đủ 3 lần phá rừng là Trần Đức Bắc, tuy nhiên, Bắc bị khuyết tật bẩm sinh, câm điếc nặng, hạn chế khả năng điều khiển hành vi, không am hiểu pháp luật, không nhận thức hậu quả do bản thân gây ra. HĐXX quyết định không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Trần Đức Bắc.
Bên cạnh đó, trong vụ án này, TAND tỉnh Quảng Bình cũng đã xét xử về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thượng Trạch.
Theo bản cáo trạng, Nguyễn Hoài Nam với nhiệm vụ bảo vệ rừng theo sự phân công, trong năm 2018 đã không xây dựng kế hoạch và không tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra tại tiểu khu 649, 650, nơi xảy ra sự việc khai thác gỗ trái phép. Khi phát hiện dấu hiệu rừng bị chặt hạ, Nam đã không trình báo lên cấp trên để có biện pháp xử lý.
Với sự tắc trách của Trạm kiểm lâm Thượng Trạch mà người đứng đầu là Trạm trưởng Nguyễn Hoài Nam đã tạo cơ hội giúp lâm tặc khai thác gỗ quý. Sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Hoài Nam 30 tháng tù treo.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo Mai Văn Dinh, Lê Văn Trung, Trần Văn Viên, Trần Văn Hoan, Mai Kiên Cường, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đức Dũng, Nguyễn Hoài Nam liên đới bồi thường cho VQG Phong Nha – Kẻ Bàng số tiền trên 2.523.000.000 đồng, là tổng số thiệt hại do các bị cáo gây ra trong vụ án.
Điều đặc biệt, trong vụ án này còn có vai trò quan trọng của Nguyễn Hữu Trung, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Theo lời khai của Mai Văn Dinh, bị cáo này đã “đi đêm” với Nguyễn Hữu Trung, thống nhất mỗi tháng chi 10 triệu đồng “lót tay” để Nguyễn Hữu Trung làm ngơ cho lâm tặc vào khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Cồn Roàng quản lý nhằm khai thác gỗ.
Tổng cộng số tiền Dinh đưa cho Nguyễn Hữu Trung là 110 triệu đồng. Do Trung là quân nhân trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình nên cơ quan CSĐT đã chuyển toàn bộ tài liệu liên quan cho Phòng điều tra Hình sự, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.