Vụ “nhiễm HIV oan 10 năm”: Bên cạnh bồi thường, phải công khai xin lỗi
(Dân trí) - Bên cạnh bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, danh dự, nhân phẩm theo quy định, theo luật sư Nguyễn Trọng Hải, Sở Y tế cần phải tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Hoàng Khắc Sửu về kết luận nhiễm HIV sai.
Liên quan đến việc ông Hoàng Khắc Sửu khởi kiện Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An ra tòa vì kết luận ông nhiễm HIV sai hơn 10 năm qua, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hải – Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự, Đoàn luật sư Nghệ An về những cơ sở pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Thưa luật sư, Sở Y tế Nghệ An thừa nhận kết luận xét nghiệm HIV đối với ông Hoàng Khắc Sửu là sai tuy nhiên chỉ đồng ý bồi thường số tiền xét nghiệm lại HIV 425 nghìn đồng, tiền thuê xe lai đi làm xét nghiệm, thuê xe từ nhà lên Sở Y tế Nghệ An để giải quyết vụ việc 1,8 triệu đồng (tổng 2.250.000 đồng). Ông thấy mức bồi thường như vậy đã thỏa đáng hay chưa?
Việc Sở y tế Nghệ An chỉ đồng ý bồi thường số tiền 2.250.000 đồng thực sự là chưa thỏa đáng đối với ông Hoàng Khắc Sửu. Bởi lẽ, từ lúc xét nghiệm năm 2003 cho đến năm 2013 là khoảng thời gian rất dài (hơn 10 năm). Việc ông Sửu bị nhầm lẫn trong kết quả xét nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm cũng như cuộc sống của ông Sửu. Hơn nữa, nguồn thu nhập thực tế của ông Sửu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, ông Sửu sẽ được bồi thường tổn thất về tinh thần, về danh dự, nhân phẩm bị xâm hại, về nguồn thu nhập thực tế bị giảm sút. Do vậy, Sở Y tế Nghệ An chỉ đồng ý bồi thường cho ông Sửu 2.250.000 đồng là chưa thỏa đáng.
Gạch tên ông Sửu trong danh sách quản lý đối tượng nhiễm HIV tại địa phương, đồng thời phát thông báo vụ việc về tận khu dân nơi ông Sửu sinh sống, bồi thường cho ông Sửu hơn 2,25 triệu đồng, theo ông, Sở Y tế Nghệ An và Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, thưa ông?
Theo tôi là chưa. Như tôi đã nói ở trên, ông Sửu đã bị thiệt hại về tinh thần cũng như danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm nghiêm trọng. Sở Y tế Nghệ An nên công khai xin lỗi ông Sửu. Đó là việc làm cần thiết thể hiện trách nhiệm của cơ quan này. Hơn nữa, Sở Y tế Nghệ An cũng cần cân nhắc đến những thiệt hại mà ông Sửu đã phải chịu để bồi thường thỏa đáng cho ông Sửu chứ không chỉ là số tiền xét nghiệm lại và hỗ trợ xét nghiệm lại (thuê phương tiện đi lại...).
Sở Y tế Nghệ An cho rằng do chỉ còn 1 cán bộ trong số 3 cán bộ đã làm xét nghiệm cho ông Sửu hiện đang công tác tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, vấn đề sai sót phụ thuộc vào quá trình giám sát lấy mẫu hoặc có thể rơi vào tỉ lệ sai số của máy móc, hóa chất, sinh phẩm… nên không có cơ sở kết luận để “quy” trách nhiệm cho cán bộ làm xét nghiệm theo đề nghị của ông Sửu. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng như các công việc khác liên quan đến vấn đề xét nghiệm sai là thuộc về tổ chức (Sở Y tế). Trách nhiệm này phát sinh trong trường hợp người của Sở Y tế gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ cho cơ quan này. Về việc trách nhiệm của cán bộ xét nghiệm ở đây sẽ do Sở y tế có biện pháp xử lý sau.
Ông đánh giá như thế nào về hành động của ông Hoàng Khắc Sửu đưa vụ việc ra tòa án?
Việc ông Sửu đưa vụ việc ra tòa án theo tôi là hoàn toàn khách quan và hợp lý, ông Sửu khởi kiện để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị Sở y tế có kết luận sai. Ông Sửu sau khi ra trại, đã đi tìm nhiều công việc khác nhau để làm nhưng vì mang tiếng bị HIV – căn bệnh thế kỷ nên có rất nhiều nơi từ chối ông. Ngoài ra, việc bị xét nghiệm sai như một “bản án tử hình” đối với ông Sửu. Vì vậy, ông Sửu khởi kiện ra tòa vừa giúp ông Sửu cởi mở về mặt tâm lý, đính chính lại được thông tin sai lệch so với ban đầu, đồng thời cũng thể hiện được trách nhiệm của Sở y tế để Sở y tế có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn trong vấn đề bồi thường cho những thiệt hại mà ông Sửu đã gánh chịu trong suốt thời gian qua về danh dự, nhân phẩm, tinh thần và thu nhập thực tế bị giảm sút.
Để chứng minh những thiệt hại về tinh thần, nhân phẩm, danh dự… thì ông có lời khuyên gì dành cho ông Sửu?
Ông Sửu cần thu thập những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc mình bị xâm phạm bao gồm: chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, ông Sửu cần chứng minh được thu nhập thực tế bị giảm sút, ví dụ như không xin được việc làm.
Xin cảm ơn luật sư!.
Năm 2003, khi đang thụ án tại Trại giam số 3 – Bộ Công an, ông Hoàng Khắc Sửu được đưa đi xét nghiệm máu tại Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An và được kết luận nhiễm HIV. Năm 2013 ông Sửu mãn hạn tù, trở về địa phương.
Đến cuối năm 2014, trong 3 lần đi xét nghiệm lại tại Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An và Bệnh viện đa khoa Nghệ An, ông Hoàng Khắc Sửu được khẳng định không bị nhiễm HIV.
Trong buổi làm việc ngày 1/4/2015, Sở Y tế Nghệ An đã thừa nhận kết luận anh Sửu nhiễm HIV là sai. Sở Y tế Nghệ An đã xóa tên anh Hoàng Khắc Sửu trong danh sách quản lý đối tượng nhiễm HIV tại địa phương, đồng thời phát thông báo vụ việc về tận khu dân cư nơi anh Sửu sinh sống để “minh oan” cho anh này.
Ông Sửu đã có đơn khiếu nại, yêu cầu đơn vị làm xét nghiệm phải bồi thường hơn 773 triệu đồng tuy nhiên Sở Y tế Nghệ An chỉ chấp nhận bồi thường cho ông này 2.250.000 đồng tiền chi phí xét nghiệm và đi lại.
Không đồng ý với kết luận trên, ông Hoàng Khắc Sửu đã gửi đơn khiếu kiện Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An đến TAND Tp. Vinh (Nghệ An) yêu cầu bồi thường 627.675.000 đồng. Hiện vụ việc đã được TAND Tp. Vinh thụ lý và đang trong quá trình hòa giải.
Hoàng Lam