1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ kiện Vinasun - Grab: Công ty giám định lên tiếng

(Dân trí) - Ngày 23/11, Tòa Kinh tế - TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.

Mở đầu phần tranh luận, phía Vinasun khẳng định đồng ý với chứng thư giám định và giải thích kết quả giám định của công ty Cửu Long.

Theo Vinasun, trong văn bản giải thích của công ty Cửu Long, phần hỏi tại phiên tòa đã làm rõ các yếu tố dẫn đến thiệt hại của Vinasun từ 1/2016 đến tháng 6/2017. Kết quả này cho thấy yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun đối với Grab là có căn cứ, phù hợp với pháp luật.

img_8845

Phía nguyên đơn đồng ý với chứng thư thẩm định giá của công ty Cửu Long.

Công ty Cửu Long xem xét biến động của các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Vinasun trên nhiều phương diện như số lượng xe nằm bãi, số lượng tài xế nghỉ việc, giảm sút doanh thu lợi nhuận, giảm giá trị thương hiệu, giảm giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp…

Nhưng khi tính phương án thiệt hại thực tế, trực tiếp, kiểm đếm thì công ty Cửu Long chỉ sử dụng hai loại thiệt hại là thiệt hại do chi phí xe nằm bãi không kinh doanh và thiệt hại từ việc giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp sụt giảm.

Theo chứng thư giám định, Vinasun thiệt hại 158,6 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do Grab gây ra là 85,9 tỉ đồng. Tuy báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường liệt kê nhiều loại thiệt hại khác nhau nhưng có điểm chung là Vinasun có thiệt hại thực tế.

Các báo cáo này cũng chỉ rõ nguyên nhân các thiệt hại của Vinasun là do có sự xâm nhập thị trường vận tải của Grab, Uber, trong đó Grab chiếm 54,2%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng chính hành vi khuyến mãi tràn lan, trái luật, khuyến mãi các chuyến xe 0 đồng là nguyên nhân dẫn đến khách hàng không sử dụng taxi truyền thống, chuyển sang dùng Grab, Uber.

Vinasun cho rằng nguyên nhân chính làm sụt giảm lợi nhuận, dẫn đến giá cổ phiếu Vinasun giảm là do sự xâm nhập của Grab. Các báo cáo phân tích chi tiết, có số liệu, đối chiếu so sánh trong nhiều năm, và những khuyến cáo, dự báo trong các báo cáo này đều trùng khớp với diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh và lợi nhuận của Vinasun sụt giảm, dẫn đến cổ tức cho các cổ đông sụt giảm kéo theo giá cổ phiếu của Vinasun sụt giảm. Vì lúc này các nhà đầu tư, cổ đông nhìn thấy những rủi ro tiềm ẩn từ cổ phiếu Vinasun.

Tranh luận lại ý kiến của Vinasun, phía Grab cho rằng Grab vào Việt Nam kinh doanh do được phép của đề án 24, của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay hoạt động của Grab đang được xem xét điều chỉnh theo Nghị định 86.

Grab chưa bao giờ là taxi và Grab đang thực hiện đề án thí điểm, đúng sai ra sao thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vinasun đang lợi dụng phiên tòa để can thiệp vào hoạt động hành pháp.

Ngoài ra, đại diện grab cũng đưa ra ý kến: Khi Vinasun đưa ra nhiều dẫn chứng về dịch vụ Grab giá rẻ, chịu lỗ... Đây là vấn đề thuộc về pháp luật cạnh tranh, thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết cạnh canh, Bộ Công thương.

img_8846

Phía Grab khẳng định Grab chưa bao giờ là taxi.

Grab cho rằng khi khởi kiện, Vinasun đưa ra hai báo cáo giám định dựa trên nguồn internet không xác thực, không được cơ quan nào kiểm chứng. Sau đó, tòa mới trưng cầu giám định tại công ty Cửu Long.

Tuy nhiên, hai lần công ty Cửu Long đều vắng mặt tại tòa. Grab cho rằng do công ty này không dám đối mặt với báo cáo giám định thiếu chính xác của mình. Và kết luận giá cổ phiếu của Vinasun giảm trong 1/2016 đến 6/2017 là do Grab gây ra là không có cơ sở. Trong khi đó đối với vụ án bồi thường thiệt hại thì con số thiệt hại phải cụ thể.

Giải thích cho ý kiến của Grab, chủ tọa đã công bố văn bản của công ty Cửu Long gửi tòa án và cho biết khi đại diện công ty Cửu Long có mặt theo triệu tập của tòa thì phía Grab xin hoãn và vắng mặt.

Cũng tại phiên tòa, phía Grab nhiều lần cho rằng các báo cáo, kết luận của công ty Cửu Long là không chính xác. Theo công ty Cửu Long, phía Grab đã nêu nhiều thông tin không đúng về các báo cáo, kết quả giám định của công ty này, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của công ty Cửu Long. Hiện nay nhiều khách hàng đã yêu cầu công ty giải thích vấn đề này.

Đồng thời, công ty Cửu Long cho biết đang cân nhắc đến việc bảo vệ uy tín, danh dự của mình bằng pháp luật.

Kết thúc buổi làm việc, HĐXX cho biết chưa thể kết thúc tranh luận nên phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 30/11.

Xuân Duy