Vụ "dùng nhục hình làm chết người": Cần thay đổi tội danh
(Dân trí) - Mặc dù không thuộc trường hợp bắt quả tang nhưng việc anh Ngô Thanh Kiều bị bắt khẩn cấp giữa đêm mà không có lệnh bắt giữ, không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà còn có dấu hiệu của “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.
Vừa qua, TAND thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã mở phiên xét xử sơ thẩm 5 Công an thành phố Tuy Hòa đã tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết. Trái với mong đợi của người dân về một bản án đúng người, đúng tội thì kết quả phiên tòa với mức án cao nhất chỉ là 05 năm tù giam, ngoài ra HĐXX còn cho 02 bị cáo được hưởng án treo. Điều này đã làm dư luận phẫn nộ và thất vọng!
Luật sư Trương Anh Tú
Định tội danh thế nào cho đúng ?
Qua nguồn thông tin khá đầy đủ từ các cơ quan báo chí cung cấp, tôi cho rằng việc Tòa án áp dụng “Tội dùng nhục hình” theo quy định tại Điều 298, BLHS là chưa phù hợp. Hành vi của các bị cáo có dấu hiệu “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 97 BLHS.
Hai tội danh này đều được thực hiện bởi các chủ thể đặc biệt nhưng nếu hành vi làm chết người khi thi hành công vụ xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của công dân, đến quyền được sống của con người, thì hành vi dùng nhục hình xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật.
Mặc dù hành vi khách quan của các chủ thể có nhiều điểm giống nhau nhưng hậu quả để lại rất khác nhau, chế tài (hình phạt) áp dụng đối với hai tội danh này cũng khác nhau: khung hình phạt cao nhất áp dụng đối với “Tội dùng nhục hình” chỉ từ năm năm đến mười hai năm trong khi khung hình phạt cao nhất áp dụng đối với “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” là từ bảy năm đến mười lăm năm.
Hiện nay, một số quan điểm cho rằng, hành vi của các đối tượng nêu trên có dấu hiệu của “Tội giết người” theo quy định tại Điều 93, BLHS, tuy nhiên theo tôi nếu truy tố với tội danh giết người là chưa phù hợp theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện hành vi gây ra cái chết của anh Kiều thì các đối tượng đang thực thi công vụ (dù có tuân thủ quy định của tố tụng hay không) và hiện trường vụ án là trụ sở công an thành phố do đó đầy đủ dấu hiệu của Tội làm chết người khi thi hành công vụ. Vì vậy, không thể dùng hậu quả của hành vi phạm tội gây ra (chết người) mà cho rằng những đối tượng trên phạm tội giết người. Việc xử 05 bị cáo với hành vi làm chết người khi thi hành công vụ có thể sẽ không thỏa mãn được tính công bằng nhưng lại phù hợp với quy định của BLHS cũng như hệ thống tư pháp hiện nay của nước ta.
Cần sửa luật!
Từ vụ án này đã thể hiện rõ sự khác biệt trong việc áp dụng luật, áp dụng chế tài đối với cùng một hậu quả “chết người” nhưng do công dân thực hiện và do những người có chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Theo khoa học hình sự thì mọi hành vi xâm phạm đến thân thể dẫn đến tử vong, chấm dứt sự sống của người khác đều được xem là giết người.
Tuy nhiên, nếu theo quy định của Bộ luật hình sự, dù cùng hậu quả chết người nhưng nếu do người dân thực hiện thì có thể bị xử lý với tội danh “giết người” với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến chung thân hoặc tử hình nhưng nếu do người đang thi hành công vụ thực hiện thì lại được áp dụng “Tội làm chết người khi thi hành công vụ” hoặc “Tội dùng nhục hình” với mức hình phạt nhẹ hơn rất nhiều.
Đây không chỉ là việc “đánh tráo khái niệm” mà hơn hết còn thể hiện sự bất bình đẳng đối với các đối tượng khác nhau. Có thể nhà làm luật cho rằng, để đảm bảo cho hoạt động của bộ máy nhà nước cần thiết phải trao cho những người thực hiện công quyền một số quyền năng và ưu tiên nhất định nhưng cũng cần phải nhìn nhận với góc độ khác rằng: những người thực hiện công quyền là những người có học, được đào tạo bài bản về kỹ năng chuyên môn, về cách ứng xử chuẩn mực, so với người dân thì họ là những người nắm rõ luật, họ được trả lương từ nguồn đóng góp của nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của mình thì có lẽ họ phải chịu trách nhiệm nặng hơn, nghiêm khắc hơn so với công dân. Hơn thế nữa, khi chúng ta tạo ra “hai luật chơi” cho cùng một “sân chơi” là chúng ta đang đi ngược lại với tinh thần bình đẳng được ghi nhận tại Điều 16 Hiến pháp và Điều 3 BLHS, theo đó “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội” (khoản 2, Điều 3, BLHS).
Tóm lại chúng ta nên bỏ Điều 97, BLHS về “Tội làm chết người khi thi hành công vụ”. Theo đó, từ nay những người thực hiện hành vi này bị xử lý chung về “Tội giết người” theo quy định tại Điều 93, BLHS.
Cần bổ sung tội danh, mở rộng điều tra những người liên quan
Mặc dù không thuộc trường hợp bắt quả tang nhưng việc anh Ngô Thanh Kiều bị bắt khẩn cấp giữa đêm mà không có lệnh bắt giữ, không chỉ là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà còn có dấu hiệu của “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 123, BLHS.
Quá trình điều tra xác minh, nếu phát hiện ra có sự chỉ đạo bắt giữ từ cấp trên thì “cấp trên” này sẽ là đồng phạm của “Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Nếu “cấp trên” không những chỉ đạo việc bắt giữ mà còn “làm ngơ” để 05 bị cáo tra tấn anh Kiều đến chết thì người này sẽ còn là đồng phạm của “Tội làm chết người khi thi hành công vụ”.
Làm lại vụ án như thế nào?
Rõ ràng, việc xử các bị cáo với mức hình phạt mức cao nhất là 5 năm tù giam và 02 án treo không chỉ là mức phạt quá nhẹ cho các bị cáo mà còn có dấu hiệu của sự sai lầm trong việc định tội danh, dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, các cơ quan có thẩm quyền cần phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Trên cơ sở xem xét các dấu hiệu phạm tội từ đó khởi tố thêm “Tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật”, khởi tố thêm các bị can khác có liên quan và có quyết định thay đổi tội danh từ “Tội dùng nhục hình” sang “Tội làm chết người khi thi hành công vụ”.
Công Tâm (ghi)