1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ "đất vàng" Bình Dương: Giải mã những ưu ái đặc quyền

Hai khu "đất vàng" có diện tích 43 ha và 145 ha được UBND tỉnh Bình Dương ưu ái giao cho Tổng Công ty 3/2...

Đặc biệt hơn, khi cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và các cán bộ cấp dưới, mặc dù biết rõ bảng giá đất hằng năm được UBND tỉnh ban hành là căn cứ để tính tiền sử dụng đất nhưng lại cùng đồng thuận cách tính "giá bèo" cho doanh nghiệp, biết doanh nghiệp sang tay cho tư nhân nhưng vẫn bao che sai phạm. Hành vi này dẫn đến đất vàng giá rẻ rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.

Áp mức thuế... trong quá khứ

Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2) có tiền thân là Xí nghiệp Sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé được thành lập theo Quyết định số 02/QĐ-TU ngày 20-10-1982 của Tỉnh ủy Sông Bé. Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty đổi tên thành Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương là doanh nghiệp Nhà nước, chịu sự chỉ đạo quản lý mọi mặt của UBND tỉnh.

Vụ đất vàng Bình Dương: Giải mã những ưu ái đặc quyền - 1
 
Vụ đất vàng Bình Dương: Giải mã những ưu ái đặc quyền - 2
  Khu đất vàng bị thâu tóm.

Năm 2012, khi Nguyễn Văn Minh là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2 làm tờ trình xin được nhận 2 khu đất có diện tích 43 ha và 145 ha để triển khai Khu dịch vụ thương mại - đô thị - dân cư cao cấp, được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương. Về giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính các khu đất được căn cứ vào bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương ban hành. Chiếu theo quy định tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương, trường hợp áp giá đất theo Bảng giá các loại đất trên địa bàn do UBND tỉnh ban hành năm 2012, số thuế trước bạ và tiền sử dụng đất đối với khu đất 43 ha, Tổng Công ty phải nộp trên 111 tỉ đồng. Đối với khu đất 145 ha tính theo bảng giá đất ban hành năm 2013 (thời điểm doanh nghiệp nộp thuế) thì số tiền Tổng Công ty 3/2 phải nộp là gần 680 tỉ đồng.

Tuy nhiên, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Dương, từ cán bộ Văn phòng Đăng ký sử dụng đất, đến Cục Thuế tỉnh Bình Dương đều thống nhất áp giá đất bình quân theo Quyết định số 5853/QĐ-UBND ngày 27-12-2006 với mức giá bình quân chỉ... 51.914 đồng/m2.

Ông Trần Văn Nam, khi đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, vẫn ký ban hành công văn chấp thuận giá đất dịch vụ tại khu liên hợp là hơn 51.000 đồng/m2 để Cục Thuế tính tiền sử dụng đất đối với khu 43 ha và 145 ha được giao cho Tổng Công ty 3-2. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, đây là mức giá đất bình quân được UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2006.

Căn cứ vào cách tính và áp mức giá trên, Tổng Công ty 3/2 chỉ phải nộp "vỏn vẹn" 5 tỉ đồng tiền thuế trước bạ, tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp để được quyền sử dụng 43 ha và số tiền 24,79 tỉ đồng cho khu đất 145 ha. Sau khi Tổng Công ty 3/2 nộp đủ số tiền trên đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử đất với 2 khu đất vàng trên (loại đất thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đến năm 2056).

Vụ đất vàng Bình Dương: Giải mã những ưu ái đặc quyền - 3
  Ông Trần Văn Nam.

Đồng thuận do... nể nang

Sau khi được sử dụng 2 khu đất vàng trên, Nguyễn Văn Minh chuyển khu đất 43 ha cho công ty sân sau của Nguyễn Đại Dương (con rể Minh). Trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2, theo Quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty 3/2 phải chuyển giao khu đất 43 ha về Công ty Impco và đưa khu đất 145 ha tiếp tục kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, Minh đã thoái vốn, chuyển nhượng toàn bộ khu đất 43 ha cho công ty tư nhân, trái quy định của pháp luật. Với khu đất 145 ha, thay vì phân loại vào mục "Tài sản đang dùng", Minh chuyển sang mục "Tài sản chờ thanh lý", đồng thời chỉ đạo các thành viên HĐTV đưa khu đất vào góp vốn tại Công ty Tân Thành mà không tiến hành định giá, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần.

Khi cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2, ông Trần Văn Nam (thời điểm này giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) đã chủ trì tổ chức họp Thường trực Tỉnh ủy, phê duyệt phương án sử dụng đất của đơn vị. Theo đó, khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú phải chuyển về Công ty Impco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tỉnh ủy quản lý.  Đến tháng 4-2017, mặc dù biết Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về Công ty Impco là trái chủ trương Tỉnh ủy, trái quy định pháp luật nhưng ông Nam không thực hiện các biện pháp quản lý để bảo toàn vốn của Nhà nước.

Thậm chí, ông Nam còn tổ chức cuộc họp thường trực Tỉnh ủy để thống nhất và quyết định cho Tổng Công ty 3/2 tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp vào Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43 ha từ Nhà nước sang tư nhân. Để che giấu sai phạm, ông Nam tiếp tục chỉ đạo các bị can: Phạm Văn Cành, Nguyễn Văn Đông và Ngô Dũng Phương hợp thức hóa văn bản, làm sai lệch bản chất nội dung phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của chủ sở hữu tại những văn bản đã được lập trước đó.

Vụ đất vàng Bình Dương: Giải mã những ưu ái đặc quyền - 4
 Ông Nguyễn Văn Minh tại cơ quan điều tra.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ cao cấp của UBND tỉnh Bình Dương trong việc để "đất vàng" về tay tư nhân với giá rẻ, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 1.463 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, Tổng Công ty 3/2 do Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch là doanh nghiệp vốn nhà nước 100%. Giữa năm 2010, Tổng Công ty 3/2 chưa được UBND tỉnh Bình Dương giao khu đất 43 ha có vị trí đắc địa ở thành phố Thủ Dầu Một để xây dựng khu dịch vụ thương mại, đô thị nhưng Nguyễn Đại Dương (con rể ông Minh) đã kêu gọi bạn bè góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc để đầu tư dự án này. Dương sau đó dùng pháp nhân của Âu Lạc ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2 thành lập liên doanh Công ty Tân Phú.

Theo thỏa thuận, Công ty Tân Phú sẽ trả tiền đền bù cho Tổng Công ty 3/2 với mức 570.000 đồng/m2, tổng cộng 250 tỷ đồng. Bản chất đây là giá chuyển nhượng khu đất 43 ha do Tổng Công ty 3/2 chưa được giao đất nên trong hợp đồng phải ghi là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Để hoàn tất mua bán, ông Minh xin ý kiến Tỉnh ủy Bình Dương, sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Âu Lạc với giá 161 tỷ đồng. Theo kết luận giám định, giá trị quyền sử dụng khu đất 43 ha tại thời điểm tháng 12-2016 là hơn 550 tỷ đồng nhưng ông Minh cùng đồng phạm ở Tổng Công ty 3/2 chỉ chuyển nhượng 250 tỷ đồng, gây thất thoát của Nhà nước hơn 300 tỷ.

Ngoài khu đất trên, ông Minh cùng các thuộc cấp ở Tổng Công ty 3/2 còn bị cáo buộc có sai phạm khi đưa khu đất 145 ha ở khu đô thị thành phố mới Bình Dương vào góp vốn tại Công ty Tân Thành. Năm 2007, Tổng Công ty 3/2 cùng 2 nhà đầu tư Hàn Quốc ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty Tân Thành để xây dựng khu phức hợp sân golf, khu căn hộ cao cấp... Vốn điều lệ khi thành lập 30 triệu USD, trong đó Tổng Công ty 3/2 góp 30% vốn điều lệ (tương đương 9 triệu USD) bằng quyền sử dụng đất.

Tại thời điểm nhận chuyển nhượng góp vốn, Tổng Công ty 3/2 vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 145 ha. Bởi thế, Tổng Công ty 3/2 đã chuyển 144 tỷ đồng tiền mặt để góp vốn tại Tân Thành. Trong khi đó, hợp đồng liên doanh vẫn thể hiện 30% vốn góp bằng quyền sử dụng khu đất 145 ha. Năm 2016, khi Tổng Công ty thực hiện cổ phần hóa, khu đất 145 ha dù đã phân loại vào mục A là "tài sản đang dùng" nhưng ông Minh vẫn chỉ đạo để chuyển sang hạng C là "tài sản chờ thanh lý". Tiếp đó, ông chỉ đạo các thành viên HĐTV đưa khu đất 145 ha vào góp vốn tại Công ty Tân Thành, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.