1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Long An

Vụ đâm chết trộm vì bị uy hiếp: Người vợ không bị xem là tội phạm?

(Dân trí) - Sau vụ án mạng kinh hoàng xảy ra đêm 11/3, chị Nguyễn Thúy Hằng được đưa đến BV Đa khoa Cần Giuộc để điều trị. Sau đó, chị Hằng lên cơ quan công an để làm việc và đã được cho về nhà lo hậu sự cho chồng. Tuy vậy, cơ quan điều tra không cho chị rời khỏi nơi cư trú.

Sáng 12/3, đại diện cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An cho biết sau khi kết thúc khám nghiệm pháp y, thi thể anh Võ Tấn Hội (chồng chị Hằng) đã được bàn giao cho gia đình để lo hậu sự. Chị Hằng cũng được cho về lo hậu sự cho chồng nhưng không được đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra. 

Theo lời khai ban đầu của chị Hằng, khoảng 0h30 đêm 11/3, chị nghe tiếng kêu cửa từ phía ngoài. Lúc đó, chồng chị vừa bước ra khỏi giường tới mở cửa thì bất ngờ chị nghe tiếng kêu thất thanh của chồng. Vừa choàng tỉnh dậy, chị Hằng chỉ loáng thoáng thấy anh Hội ngã quỵ xuống đất. Chưa kịp hoàn hồn, chị bị đối tượng Nguyễn Thành Trung lao vào khống chế để hỏi chỗ cất giấu tiền, vàng.

Vụ đâm chết trộm vì bị uy hiếp: Người vợ không bị xem là tội phạm? - 1
Hiện trường nơi xảy ra vụ án

Quá kinh hoàng trước sự việc xảy ra chị phản kháng mạnh để thoát thân nhưng bị Trung vung dao chém 2 nhát vào người. Tiếp đó, chị vùng bỏ chạy và chụp được con dao trên bàn quơ lại phía sau. Cú quơ của chị trúng ngay vào vùng đầu đối tượng Nguyễn Thành Trung khiến y gục xuống đất cách thi thể chồng chị khoảng 5 mét.

Theo gia đình chị Hằng, cách nay hơn một tháng, Trung có vay mượn của vợ chồng chị Hằng khoảng 60 triệu đồng, nhiều lần gia đình chị yêu cầu Trung trả khoản nợ trên nhưng đối tượng khất lần chưa trả.

Trong vụ án lần này, nhiều người lo lắng cho chị Hằng, sợ chị vướng vào lao lý. Tuy vậy, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TPHCM thì đây có thể xem là hành vi tự vệ.

Theo khoản 1 Điều 22 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì phòng vệ chính đáng là “hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Tham khảo Nghị quyết 02- HĐTP-TANDTC/QĐ năm 1986 cụ thể hóa quy định về phòng vệ chính đáng với các tiêu chí sau:

Thứ nhất, hành vi xâm phạm như thế nào đến người phòng vệ, cụ thể là người vợ? Theo lời khai ban đầu của người vợ thì có thể thấy tên trộm không những trộm đi tài sản của vợ chồng nạn nhân mà còn giết cả người chồng, thậm chí còn truy đuổi, đe dọa tính mạng người vợ, như vậy tên trộm đã xâm phạm đến quyền bảo đảm về tính mạng, sức khỏe và quyền bảo đảm về tài sản của người vợ.

Thứ hai, hành vi xâm phạm đã hoặc đe dọa gây thiệt hại chưa? Hành vi của tên trộm đã gây thiệt hại cho người vợ từ các tính tiết đã nêu.

Thứ ba, hành vi chống trả có đồng thời gạt bỏ cũng như đẩy lùi hành vi xâm phạm hay không? Nếu đúng như lời khai ban đầu thì hành vi chống trả của người vợ nhằm thoát khỏi lưỡi dao của tên trộm đồng thời đã đẩy lùi lưỡi dao ấy khỏi viêc bị giết.

Tuy nhiên yếu tố thứ tư mới là yếu tố quyết định giới hạn phòng về chính đáng của người vợ đã bị vượt quá hay chưa. Căn cứ theo nội dung cụ thể của người việc, sau khi thấy chồng mình bị đâm, người vợ đã lao vào tên trộm rồi chạy ra cửa, lúc này tên trộm vẫn cầm dao bám theo người vợ, chứng tỏ hắn có mục đích giết của chị. 

Khi chạy tới cửa và la cầu cứu, người vợ vớ được con dao, trong lúc hoảng loạn, chị đã quay lại đâm con dao về phía hung thủ, con dao trúng đầu tên trộm và hắn gục ngã. Nếu xem xét các yếu tố để được coi là “cần thiết” giữa hành vi xâm phạm và hành vi chống trả, cần lưu ý đến nhưng yếu tố như: Tâm lý người chống trả, mức độ chống trả, các yếu tố về sức khỏe, hệ quả nếu không chống trả… Như vậy nếu xét dưới góc độ (một cách sơ lược, khách quan vì cần kết luận từ phía cơ quan điều tra) thì hành vi chống trả của người vợ là “cần thiết”.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, điều tra ban đầu theo quy định. Nhưng nếu đúng như lời khai ban đầu của người vợ và đối chiếu từ bốn yếu tố như đã phân tích, giới hạn phòng vệ chính đáng trong vụ việc này không bị “vượt quá”, người vợ không bị xem là “tội phạm” theo quy định của khoản 1 Điều 22 BLHS.

Xuân Hinh