Vụ cư dân chung cư có biểu hiện "lạ": Trách nhiệm ban quản lý tới đâu?
(Dân trí) - Theo luật sư, khi phát hiện cư dân có dấu hiệu tâm thần, Ban quản lý tòa nhà cần có động thái bảo vệ những cư dân khác, phối hợp với chính quyền có phương án giải quyết hiệu quả nhất.
Như đã đưa tin trước đó, nhiều cư dân tại tòa nhà L3, chung cư Le Grand Jardin (ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) phản ánh việc một phụ nữ tên P.T.H.Y. (ở tầng 9) có nhiều biểu hiện bất bình thường, đe dọa, chửi bới hàng xóm.... gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của cư dân.
Theo phản ánh, chị Y. từng dùng dao để phá hoại tài sản của hàng xóm, cầm dao chửi bới, dọa giết cư dân cùng tầng. Khi phản ánh vụ việc, cư dân bức xúc vì cách giải quyết chậm trễ, sơ sài và thiếu trách nhiệm từ phía ban quản lý cũng như chủ đầu tư.
Vậy, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm của Ban quản lý chung cư trong những vụ việc trên sẽ như thế nào?
Trả lời Dân trí, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, cho biết, khoản 1, Điều 104 Luật nhà ở năm 2014 và Phụ lục 2 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quy định, Ban quản lý tòa nhà chung cư có nghĩa vụ kiểm soát, bảo đảm trật tự, an ninh cho cuộc sống của cư dân trong tòa nhà; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong nhà chung cư.
Như vậy, theo luật sư, với trường hợp khi phát hiện cư dân, hoặc người không phải cư dân có dấu hiệu tâm thần, có hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong tòa nhà, Ban quản lý cần có động thái bảo vệ cư dân, phối hợp với chính quyền có phương án giải quyết hiệu quả nhất.
Đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho biết cơ quan chức năng cần rà soát, nắm danh sách các trường hợp người có biểu hiện tâm thần trên địa bàn; đưa hoặc đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn cho những người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống nguy hiểm; quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng; đặc biệt là cần phối hợp, hướng dẫn gia đình đưa bệnh nhân đến các cơ sở điều trị.
Trong trường hợp người bị tâm thần thực hiện các hành vi gây thương tích, phá hoại đồ đạc..., theo luật sư, người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Điều 46, khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.
"Tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ được loại trừ đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần, theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự", luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.