Vụ "bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn": Những tình huống pháp lý
(Dân trí) - Luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh tính xác thực của câu chuyện TikToker V.M.L. đăng tải để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Liên quan vụ nam TikToker V.M.L. tố "bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn" tại một quán phở ở Hà Nội đang gây xôn xao dư luận, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh tính xác thực của câu chuyện để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, bảo vệ môi trường kinh doanh và uy tín của cơ sở kinh doanh, cũng như quyền lợi của người khuyết tật.
"Kết quả xác minh của cơ quan chức năng sẽ có người đúng, kẻ sai và sẽ áp dụng chế tài đối với một trong các bên có liên quan", luật sư Cường nói.
Theo ông Cường, nếu nhà chức trách xác định có hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị với người khuyết tật thì người phân biệt sẽ bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Trường hợp thông tin từ tài khoản mạng xã hội đăng tải không đúng sự thật, người đăng sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
"Nếu hành vi là vu khống, bịa đặt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân thì người đăng tải còn có thể bị xử lý hình sự", luật sư Cường chia sẻ.
Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết thêm, theo quy định pháp luật, người khuyết tật là người yếu thế trong xã hội, cần có sự bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước, của cộng đồng xã hội.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Cụ thể, kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó; xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của họ.
Nội dung bài đăng của anh V.M.L. cho biết, anh này cùng bạn gái đến một quán phở gần nhà nhưng bị nhân viên từ chối "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh".
Đến quán phở thứ 2, anh L. cho hay đây là "quán quen", hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi bé, xe lăn của anh hơi chen vào chỗ bà chủ quán.
"Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên "ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?", nhân viên bảo "anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này". Bà càng được đà "không bán được, đã thế thì tôi đứng"…", anh L. viết.
Trước tố cáo trên, chủ quán phở gà xác nhận anh L. là khách quen, thường ăn phở vào buổi tối.
Vài ngày trước, anh L. cùng bạn gái đến quán vào tầm trưa. Quán tiếp đón bình thường.
Anh L. và bạn gái ngồi bàn đầu tiên, sau lưng chủ quán, cạnh khu vực cân thịt gà. Một chủ quán khác (đã lớn tuổi) nhắc nhở anh L. lần sau đừng ngồi vị trí này gây khó khăn bán hàng.
"Bạn ấy vẫn tươi cười, ăn uống bình thường, nhưng sau đăng bài lên mạng xã hội ám chỉ chúng tôi miệt thị là không đúng", đại diện quán nói.
Chủ quán khẳng định "không bao giờ dùng lời lẽ thô tục để đuổi khách, đặc biệt với người khuyết tật".