Vụ bay lắc trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương: Đề nghị 2 án tử hình
(Dân trí) - Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên 2 án tử hình trong vụ án tổ chức "bay lắc", sử dụng ma túy trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I suốt thời gian dài gây bức xúc dư luận.
Chiều 30/8, kết thúc phần thẩm vấn, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) tổng hợp mức án tử hình về 3 tội "Mua bán trái phép chất ma túy", "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", "Tàng trữ trái phép chất ma túy".
Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (48 tuổi, trú ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị đề nghị mức án tổng hợp là tử hình với hai tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Cùng hai tội danh này, bị cáo Nguyễn Công Thường (36 tuổi, trú ở huyện Thanh Trì) bị đề nghị chung thân; Nguyễn Trung Nguyên (39 tuổi, trú ở huyện Thường Tín, Hà Nội) bị đề nghị phạt 25 năm tù.
Trong khi đó, viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Lưu (53 tuổi, Trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần trung ương I) mức án 2 - 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
5 bị cáo còn lại trong vụ án này bị viện kiểm sát đề nghị mức án từ 5 năm 6 tháng đến 7 năm 6 tháng tù về các tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy".
Theo cáo trạng, từ năm 2018, Quý bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của VKSND huyện Thanh Trì về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Bị cáo này điều trị tại phòng tầng 2 của Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Quý khai với cơ quan điều tra việc mình không mắc bệnh tâm thần nhưng lợi dụng việc này để trốn tránh việc chấp hành bản án. Cuối năm 2020, khi Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền chuyển về khu nhà mới, Quý đã được điều trị một mình ở phòng bệnh trên tầng 2, không có bệnh nhân ở cùng.
Lợi dụng sơ hở của cán bộ bệnh viện, Quý đánh chìa khóa riêng để tự do đưa người lạ vào khoa này để mua bán, tổ chức sử dụng ma túy. Đặc biệt, Quý còn tự thiết kế phòng mình thành 3 buồng, buồng ngoài cùng để giường bệnh điều trị; buồng giữa lắp đặt hệ thống loa công suất lớn, âm ly, đèn nháy, bàn DJ để "bay lắc".
Sau khi cải tạo xong hệ thống phòng ốc, Quý đã nhiều lần tổ chức các bữa tiệc sử dụng ma túy và bay lắc ở đây cho bạn bè, người thân đến thăm và một số nhân viên y tế như Vũ, Huệ, Hạt.
Cáo trạng của viện kiểm sát xác định Quý cùng đồng bọn đã tổ chức thành công 3 bữa "tiệc ma túy" tại phòng này. Ngoài ra, Huệ, Hạt, Vũ còn lên tận phòng Quý để xin ma túy mang xuống phòng âm nhạc của khoa cùng sử dụng.
Quý còn bị cáo buộc thường xuyên mua bán ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Quý khai mua ma túy của một người không rõ lai lịch và được giao đến tận phòng điều trị. Sau khi nhận hàng, Quý và Ngọc chia thành các hộp, cất giấu lên trần phòng điều trị để tránh bị phát hiện. Đàn em đi giao hàng sẽ được Quý trả công bằng cách cho sử dụng miễn phí ma túy.
Quý khai hàng tháng nộp cho bác sĩ Đỗ Thị Lưu từ 6-10 triệu đồng tiền buồng bệnh để người lạ và bạn bè vào buồng bệnh của Quý mà không bị nhắc nhở.
Sau khi nhận tiền, bác sĩ Lưu đưa cho tổ công đoàn 2-3 triệu đồng mỗi tháng để nhập quỹ.
Bà Đỗ Thị Lưu phủ nhận việc thu tiền phòng hàng tháng của Quý. Tuy nhiên, cáo trạng của viện kiểm sát cho rằng, với chức vụ trưởng khoa, bà Lưu biết Quý tự ý cải tạo buồng bệnh điều trị không đúng quy định của bệnh viện, nhưng vẫn buông lỏng quản lý, không quyết liệt yêu cầu tháo dỡ, không báo cáo Ban giám đốc bệnh viện, dẫn đến việc đối tượng tự ý đưa người lạ vào khoa, sử dụng buồng bệnh để mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Phiên tòa sơ thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Ngày 31/8 sẽ diễn ra phần tranh luận.