Vụ bắt nữ sinh đeo biển "ăn trộm": Có dấu hiệu phạm tội hình sự
(Dân trí) - Liên quan đến hành vi trói, dán lên người dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” của các nhân viên siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê) đối với một em học sinh cấp 2 ở huyện này, nhiều luật sư cho rằng hành vi này có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Vụ việc xảy ra tại siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, Gia Lai) vào ngày 10/4 sau khi các nhân viên, bảo vệ của siêu thị phát hiện em S., một học sinh của Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) lấy cắp 2 cuốn truyện.
Xung quanh vụ việc gây phẫn nộ dư luận này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi và ghi nhận ý kiến của các luật sư.
Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, các nhân viên của siêu thị đã có dấu hiệu phạm vào 2 tội “bắt giữ người trái pháp luật” và tội “làm nhục người khác”.
Luật sư Tạ Quang Tòng nói: "Số tiền của 2 cuốn truyện là quá nhỏ, thứ 2 là cháu bé chưa đủ tuổi thành niên nên chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gì cả. Ngược lại, nhân viên siêu thị đã có hành động cột tay vào lan can là phạm vào pháp luật hình sự quy định về tội “bắt giữ người trái pháp luật” và việc treo treo tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” giữa nơi “thanh thiên bạch nhật”, trong khi chưa có một cơ quan nào xác định đứa bé phạm tội trộm cắp nên hành vi đó có thể bao gồm cả tội “làm nhục người khác” ".
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cơ quan công an sẽ vào cuộc bởi vì rõ ràng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan công an sẽ kiểm tra mức độ của hành vi đó có phải đã xâm phạm vào tội “làm nhục người khác” và “bắt giữ người trái pháp luật” hay chưa. Trong trường hợp nếu đủ điều kiện thì cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án về hành vi đó.
Về trách nhiệm của ban lãnh đạo siêu thị, nếu như cơ quan công an xác định có dấu hiệu của hành vi phạm tội thì sẽ mở rộng điều tra. Và khi họ điều tra ra thì chủ siêu thị sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Còn trước mắt, bản thân người chủ siêu thị này, biện pháp tốt nhất là nên đến gia đình cháu bé để xin lỗi. Xin lỗi trên phương tiện truyền thông đại chúng nghiêm túc về chuyện đó.
Vụ việc này đã đánh thẳng vào tâm lý trẻ con và hậu quả của nó không thể lường hết được. Có thể do nhà cháu bé nghèo không có tiền mua sách. Nếu là người có lòng nhân hậu, người ta không làm vậy, người ta sẽ tặng hoặc mua cho cháu bé 2 cuốn sách đó.
Đằng này, cách làm của các nhân viên siêu thị đã để lại một dấu ấn khủng khiếp trong cuộc đời trẻ thơ của đứa bé.
Đồng quan điểm với luật sư Tạ Quang Tòng, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thứ nhất, cần phải xác định cháu bé đã lấy 2 cuốn truyện không phải là tội phạm, không xử lý hình sự vì cháu bé là trẻ em, lấy 2 cuốn sách giá trị không lớn. Do cháu bé là trẻ em nên không phải là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật hình sự.
Do đó, mọi hành vi trói, bắt giữ (nếu có) đối với trẻ em (nếu có vi phạm) thì phải đưa lên công an, nhà trường hoặc gia đình, chứ không được quyền trói giữa đám đông, giữa chợ (siêu thị).
Hành vi trói, treo biển hiệu trước ngực, tôi cho rằng đó là hành vi xâm phạm danh dự, uy tín của con người, mà tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em, đã gây thiệt hại đến quyền nhân thân của trẻ em được pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tôi cho rằng, cá nhân người nào nào thực hiện hành vi này thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Viết Hảo