Vụ án Đoàn Văn Vươn: Công an phủ nhận nổ súng trước

(Dân trí) - Ngày thứ 2 xét xử vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và bị hại. Các bị hại từ chối không yêu cầu bồi thường và còn đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sáng nay (3/4), phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục thực hiện phần xét hỏi bị cáo Đoàn Văn Quý và các bị hại trong vụ án.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay 3/4.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay 3/4.

Bị cáo Đoàn Văn Quý khai dù nhận thức được hành vi dùng chất nổ và súng có thể gây nguy hiểm cho lực lượng cưỡng chế nhưng bị cáo vẫn thực hiện vì khu đầm và căn nhà trên đầm là toàn bộ công sức của hai vợ chồng.
Bị cáo không còn làm ở chỗ nào vì để dồn vốn làm đầm. “Nghĩ bị thu hồi là sẽ bị mất trắng nên tôi thực hiện việc cản trở lực lượng cưỡng chế”, bị cáo nói.

Tuy nhiên, bị cáo Quý vẫn khẳng định việc đặt mìn, đặt bình ga và bắn súng là do một mình mình làm và các hành vi đó chỉ để đe dọa chứ không nhằm giết người.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Văn Quý khai do đoàn cưỡng chế nổ súng trước nên đã nổ súng, tuy nhiên các bị hại đều phủ nhận việc này.

Bị hại Nguyễn Anh Tuấn (cán bộ công an) người bị thương đầu tiên do trúng đạn của bị cáo Đoàn Văn Quý cho biết là người thuộc quân số của tổ công tác số 3 do Trưởng công an huyện Tiên Lãng Lê Văn Mải làm tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực cưỡng chế.
Bị hại Tuấn khẳng định tổ công tác số 3 không mang súng, áo giáp sắt và công cụ hỗ trợ. Vì vậy trước khi Quý nổ súng thì đoàn công tác chưa hề nổ súng.

Bị hại Vũ Anh Tuấn.
Bị hại Vũ Anh Tuấn.

Bị hái Lê Văn Mải.
Bị hại Lê Văn Mải.

Theo bị hại Tuấn, tổ công tác thực hiện biện pháp kêu gọi thuyết phục là chính. Tổ công tác dùng loa kêu gọi Quý mở cửa để làm việc nhiều lần nhưng không được.

Trong lời khai của mình, bị hại Vũ Anh Tuấn cũng từ chối yêu cầu bồi thường vật chất và tinh thần với các bị cáo. Bị hại Tuấn cũng nói thêm các bị cáo vi phạm pháp luật nhưng một phần do bức xúc và ức chế do bị cưỡng chế nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Bị hại Đỗ Xuân Trường cho biết mình bị thương 1 cánh tay trái, sườn và mắt trái, giảm 30% sức lao động. Một số viên đạn ở hốc mắt vẫn chưa lấy được. Về phần yêu cầu bồi thường, bị hại Trường cũng nhất trí với ý kiến của bị hại Tuấn tại phiên tòa.

Bị hại Lê Văn Mải, nguyên Trưởng công an huyện Tiên Lãng khai tại tòa là tổ trưởng tổ công tác số 3 đồng thời là người lập kế hoạch bảo vệ vụ cưỡng chế. Ông Mải khai tổ công tác của ông chỉ có 2 đồng chí bộ đội rà phá bom mìn mang áo giáp, các thành viên khác mang một số công cụ hỗ trợ như dùi cui, duy nhất một chiến sĩ được trang bị một khẩu K54.

Toàn cảnh phiên xét xử.
Toàn cảnh phiên xét xử.

Bị hại Mải cũng khẳng định tổ công tác chủ yếu thuyết phục, động viên để gia đình ông Vươn chấp hành làm việc chứ không có việc dùng vũ lực hoặc có phương án nào khác.

Bị hại Đỗ Xuân Trường cùng các bị hại Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Hoàng, Đào Văn Đức, đều thuộc tổ công tác số 3 cũng đều khẳng định thực hiện theo đúng kế hoạch được giao nhiệm vụ.

Kết thúc phiên xét xử sáng nay 3/4, HĐXX công bố lời khai của một số bị hại vắng mặt. Phiên tòa buổi chiều tiếp tục với phần xét hỏi trước khi chuyển sang phần tranh tụng.

Quốc Đô - Anh Thế