1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ 8 công ty kêu cứu Thủ tướng: Vẫn vòng vo và áp đặt

(Dân trí) - Đến nay, sau gần 2 năm Thủ tướng có quyết định điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông điện lực từ Tập đoàn Điện lực sang Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, phía Viettel vẫn giải quyết các quyền lợi liên quan tới đối tác theo kiểu vòng vo, áp đặt.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2151/QĐ-TTg về việc điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông điện lực từ Tập đoàn Điện lực sang Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Theo đó, việc chuyển giao Công ty Thông tin viễn thông điện lực sang Viettel phải đảm bảo nguyên trạng cơ sở hạ tầng viễn thông, các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác.

Tuy nhiên, theo phản ánh của 8 doanh nghiệp đã ký hợp đồng khung với EVN về việc đầu tư thuê trạm BTS, sau khi điều chuyển, với chủ trương đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chèn ép các doanh nghiệp, Viettel đã gây nhiều bức xúc kéo dài.

Cụ thể, từ thời điểm chuyển giao có hiệu lực theo Quyết định 2151 ngày 5/12/2011 đến tháng 4/2012, Viettel vẫn chưa thanh toán bất cứ khoản tiền nào cho các doanh nghiệp triển khai xây dựng trạm BTS cho EVN thuê (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội hóa - DN XHH).

Ngày 25/4/2012, chi nhánh Viettel Hà Nội ra thông báo chủ trương tiếp nhận các trạm BTS của EVN Telecom, trong đó, số lượng trạm BTS bị hủy hợp đồng chiếm 80-95%. Thời điểm thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng có 1 tháng trong khi các DN đã chi trả cho nhà dân tiền thuê mặt bằng xây dựng trạm BTS hết năm 2012, thậm chí có những vị trí phải trả tiền thuê hết 5 năm cho nhà dân.

Sau khi có ý kiến của các cơ quan ban ngành quản lý, Viettel đã giải quyết được một phần theo chiều hướng đối phó. Ngày 12/7/2012, Viettel lần đầu tiên thanh toán tiền thuê trạm BTS từ tháng 1/2012 đến 6/2012, nhưng chưa thanh toán 6 tháng cuối năm 2012 theo cam kết hợp đồng.

Ngày 18/7/2012, chi nhánh Viettel Hà Nội ra thông báo thanh lý Hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng đặt trạm viễn thông. Các DN XHH đã làm việc với chi nhánh nhưng Viettel không đưa ra được văn bản ủy quyền của Tập đoàn để đàm phán thanh lý, không cử người có đủ thẩm quyền ra giải quyết và cuộc họp không lập biên bản...

Đáng chú ý, từ tháng 7/2012 đến 3/2013, nhiều lần các DN XHH đề nghị Viettel cử người có thẩm quyền đàm phán thanh lý hợp đồng nhưng không được đáp ứng.

Sự việc tưởng như đã được “tháo gỡ” vào ngày 13/3/2013 mới đây khi Viettel tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo Tập đoàn viễn thông quân đội và đại diện các đơn vị XHH để bàn thảo các nội dung vướng mắc khi thanh lý hợp đồng. Nhưng tại cuộc họp không lập biên bản này, hai bên vẫn chưa đi tới thống nhất được nội dung thanh lý.

Theo phản ánh của các DN XHH, Viettel chỉ tiếp nhận nguyên trạng tài sản của EVN Telecom chứ không chịu trách nhiệm về những tài sản của các công ty XHH, đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của QĐ 2151 của Thủ tướng.

Đáng chú ý, hợp đồng giữa EVN và các DN XHH còn nhiều sơ hở, không có điều khoản thanh lý nên Viettel không giải quyết đền bù!

Tới tháng 4/2013, Viettel vẫn không trả tiền thuê trạm từ tháng 6/2012 đến nay, đồng thời ép các DN XHH phải chấp nhận thanh lý đến 31/12/2012 thì mới thanh toán công nợ năm 2012, nếu không đồng ý, Viettel không thanh toán các khoản phí nào sau 31/12/2012.

Dư luận băn khoăn về cách cư xử “có một không hai” của Viettel khi đơn phương “phủi tay” trách nhiệm xử lý công nợ với các DN XHH, khiến không ít người lo lắng khi muốn bước chân vào đầu tư XHH.

Tiến Nguyên