Bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, 8 công ty kêu cứu Thủ tướng

(Dân trí) - Tám Công ty đầu tư xây trạm trạm thu, phát sóng BTS vừa ký đơn kêu cứu lên Thủ tướng, tố Viettel đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trạm BTS, trái chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đó, ngày 2/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 422/CT-TTg về việc ưu tiên chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm các trạm phát sóng thông tin di động (trạm BTS).

Tháng 6/2010 EVN mở rộng mạng lưới phủ sóng di động 3G của Công ty Thông tin điện lực và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng trạm BTS. Với hy vọng hoàn vốn sau 5 năm và có lợi nhuận từ năm thứ 6, hàng loạt doanh nghiệp đã huy động mọi nguồn vốn (kể cả vay ngân hàng) để xây dựng thuê các trạm BTS cho EVN và đầu tư xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm BTS cho EVN thuê lại.

Cụ thể, các doanh nghiệp bỏ vốn thuê mặt bằng của các nhà dân đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của EVN và đầu tư xây dựng trạm bao gồm cột anten, phòng máy, hệ thống điện…với chi phí từ 250-400 triệu đồng/trạm BTS. Trong năm 2010, các trạm này đã hoàn thành và được EVN nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Mọi việc bắt đầu phát sinh khi EVN đến nay vẫn chưa thanh toán tiền xây dựng trạm BTS cho các nhà thầu xây dựng lúc đó. Theo các điều khoản trong hợp đồng xây dựng trạm BTS ký với các doanh nghiệp, EVN sẽ thanh toán cho bên nhà thầu sau khi nhà thầu xuất trình đầy đủ hồ sơ thanh toán tối thiểu 60 ngày. Tuy nhiên, tới thời điểm tháng 5/2012, thời điểm mà rất nhiều trạm BTS được đầu tư theo dạng xã hội hóa đã đi vào hoạt động, những “khổ chủ” tham gia góp vốn đầu tư trạm vẫn chưa được EVN thanh toán theo hợp đồng đã ký kết.

Ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 2151/QĐ-TTg về việc điều chuyển Công ty Thông tin điện lực từ EVN sang Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Theo quyết định này, việc chuyển giao phải đảm bảo nguyên trạng cơ sở hạ tầng viễn thông cũng như các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác.

Tuy nhiên, theo lời kêu cứu của 8 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này đã nhận được văn bản của phía Viettel, đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu tháo dỡ trạm BTS, do không phù hợp sau khi sáp nhập, với một số trạm BTS được ký lại hợp đồng thì phải giảm giá còn 1/3 so với giá cũ...

EVN đã ký kết hợp đồng thuê các trạm BTS với cam kết thuê dài hạn 10 năm, thời hạn ký kết gian hạn hợp đồng là 5 năm/lần là điều đã hấp dẫn nhiều doanh nghiệp đầu tư khoảng 250 triệu/1 trạm BTS với kỳ vọng thu lãi từ năm thứ 6. Nhưng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 9 năm của Viettel đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào thảm cảnh.

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái với Quyết định 2151 của Thủ tướng Chính phủ, về sáp nhập EVN Telecom vào Viettel. Bởi theo quyết định này, Viettel phải tiếp nhận nguyên trạng, trong đó gồm cả các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác của EVN Telecom.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện riêng địa bàn Hà Nội có khoảng 400 trạm BTS của hơn 20 doanh nghiệp đã đầu tư trạm BTS, đã ký hợp đồng cho EVN Telecom thuê từ 5-10 năm. Hiện các hợp đồng này mới thực hiện được từ 6 tháng đến hơn 2 năm.

Nếu Viettel đơn phương chấm dứt hợp đồng, sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp này cả trăm tỷ đồng. Còn nếu có được Viettel ký lại, nhưng với giá cho thuê giảm 1/3 (từ khoảng 9-11 triệu đồng, nay chỉ còn 3-4 triệu đồng) thì không đủ để doanh nghiệp trả tiền thuê đất của dân.

Tiến Nguyên