1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ 3 người đàn ông 2 lần được tuyên vô tội quay lại "vạch xuất phát"

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo Hội đồng Thẩm phán, quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có một số vấn đề chưa làm rõ, có thiếu sót trong vụ 3 người đàn ông 2 lần được tòa tuyên vô tội.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên hủy 2 bản án từng tuyên ba bị cáo Nguyễn Văn Sinh (Giám đốc Công ty Thái Nguyên 1), Văn Công Đường (trưởng phòng Kinh doanh Công ty Thái Nguyên 1), Đặng Văn Chiến (thủ kho của Công ty Thái Nguyên 1) không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm đều tuyên 3 người này vô tội.

Vụ án hơn 10 năm trước

Theo hồ sơ vụ án, năm 2012, theo hợp đồng liên kết kinh doanh giữa hai bên, công ty Khâm Thiên đã đưa hơn 6.452 tấn lúa mì, trị giá gần 57 tỷ đồng vào 2 silo của Công ty Thái Nguyên 1. Công ty của ông Sinh đã lấy hơn 2.230 tấn để sản xuất mì gói, bột mì và trả cho đối tác gần 19 tỷ đồng. Còn lại hơn 4.200 tấn lúa mì (trị giá gần 38 tỷ đồng) tiếp tục lưu kho, cả hai công ty đều cử người ăn ở tại chỗ trông coi.

Vụ 3 người đàn ông 2 lần được tuyên vô tội quay lại vạch xuất phát - 1

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm (Ảnh: Luật sư cung cấp).

Người đại diện của công ty Khâm Thiên cho rằng, ngày 17/10/2013, lợi dụng lúc người trông coi của công ty này không có trong kho, ông Sinh đã chỉ đạo Văn Công Đường (Trưởng phòng kinh doanh, công ty Thái Nguyên 1) và Đặng Văn Chiến (thủ kho) phá niêm phong 2 khóa van ở silo số 4, 5 lấy lúa mì đem bán cho đối tác khác và sản xuất.

Ngày hôm sau, thủ kho của Công ty Khâm Thiên kiểm tra, phát hiện niêm phong tại các van của silo 4, 5 bị phá, nên đã phản đối, to tiếng với người của công ty Thái Nguyên 1.

Công ty Khâm Thiên sau đó đã khởi kiện công ty Thái Nguyên 1 ra TAND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) yêu cầu đòi trả số tiền còn nợ và lãi suất. Quá trình tòa thụ lý, công ty này rút đơn khởi kiện, chuyển sang tố cáo với công an về hành vi chiếm đoạt lúa mì của ông Sinh và cấp dưới.

Gần 3 năm sau khi xảy ra tranh chấp, đầu năm 2016, ông Sinh cùng hai cấp dưới bị khởi tố. Trong đó, ông chủ hãng mì gói An Thái bị bắt và đưa ra Hà Nội tạm giam tại trại giam T16 của Bộ Công an, những người còn lại được tại ngoại.

Sau hơn một năm bị tạm giam, ngày 12/5/2017, ông Sinh được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ông Sinh, Văn Công Đường và Đặng Văn Chiến về tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng có đủ căn cứ xác định ông Sinh và đồng phạm đã thông qua hợp đồng liên kết liên doanh để chiếm đoạt của Công ty Khâm Thiên hơn 4.200 kg lúa mì trị giá gần 38 tỷ đồng, đem bán lấy tiền sử dụng cho mục đích cá nhân.

Hai lần được tuyên vô tội

Tháng 9/2020, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm đưa ra 51 điểm bất hợp lý của cáo buộc, không đủ căn cứ kết tội 3 bị cáo nên tuyên không phạm tội.

Không đồng tình với phán quyết này, phía Công ty Khâm Thiên kháng cáo, còn VKS kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM hủy án sơ thẩm, điều tra xét xử lại.

Đầu năm 2022, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm. Ông Sinh và ông Chiến có mặt, còn ông Đường do mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên xin xét xử vắng mặt.

HĐXX phúc thẩm đưa ra hàng loạt nhận định, đồng tình với quan điểm của tòa sơ thẩm, tuyên ông Sinh và hai cựu nhân viên không phạm tội. Phán quyết này có hiệu lực ngay.

Tháng 9/2022, Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị bản án sơ thẩm, phúc thẩm, đề nghị TAND Tối cao hủy 2 phán quyết trên để điều tra, xét xử lại.

Kháng nghị của VKSND Tối cao nêu rằng cơ quan điều tra kết luận các bị cáo phá niêm phong lấy lúa mì nhưng không xác định được ngày phá niêm phong và chưa chứng minh được thời gian kết thúc việc lấy lúa mì.

Bên cạnh đó, kháng nghị cho rằng cơ quan điều tra không cho thực nghiệm điều tra; cách xác định trọng lượng lúa mì mỗi lần lấy. Hiện trường vụ án liên quan đến kỹ thuật vận hành dây chuyền bột mì, dấu vết, vị trí niêm phong nhưng khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không cho các bị cáo tham gia, không mời người có chuyên môn tham dự.

Quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, tòa án sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung bốn lần nhưng chưa được cơ quan xác minh, làm rõ.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định quá trình điều tra, truy tố đã có những vi phạm, thiếu sót như kháng nghị của VKSND Tối cao đã chỉ ra nên việc điều tra lại vụ án là có căn cứ chấp nhận.