1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

TPHCM:

Vợ lừa đảo, chồng bị đề nghị xem xét trách nhiệm

Xuân Duy

(Dân trí) - Viện KSND cấp cao tại TPHCM cho rằng việc xét xử bị cáo Tuyền về tội lừa đảo là có căn cứ, tuy nhiên có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội là ông Nguyễn Nghĩa, chồng bị cáo Tuyền với vai trò giúp sức.

Viện KSND cấp cao tại TPHCM vừa kháng nghị đề nghị hủy án vụ Phan Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1978, ngụ Lâm Đồng) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, giai đoạn 2007-2013, Phan Thị Thanh Tuyền cùng chồng là Nguyễn Nghĩa nhiều lần vay tiền bà Đinh Thị Thanh T.. Lúc vay, Tuyền có giao một số giấy tờ đất cho bà T. để làm tin. Cuối năm 2013, số nợ lên đến khoảng 6 tỷ đồng cũng là lúc Tuyền hết khả năng trả nợ. Vì vậy, Tuyền đưa ra thông tin làm dự án trên mảnh đất do chồng là chủ sở hữu trong khi thực tế ông Nghĩa đã bán hết đất.

Dù biết đất đã bán nhưng Tuyền vẫn nói chồng ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Nội dung hợp đồng là chuyển nhượng ba mảnh đất có tổng diện tích hơn 2.500 m2 do ông Nghĩa đứng tên cho bà Thúy.

Đồng ý với việc lấy đất cấn nợ, bà T. ký tên rồi giao Tuyền lo phần thủ tục công chứng, sang tên. Sau đó, bà T. nhiều lần đưa thêm tiền thông qua hình thức Tuyền viết giấy mượn tiền. Tổng cộng, 13 giấy mượn tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Sau khi nhận tiền của bà T., Tuyền trả nợ và tiêu xài cá nhân, hoàn toàn không có việc “lo giấy tờ, sổ đất” và cũng không có dự án như Tuyền nói với bà T.

 Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, Tuyền không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Tuyền cho rằng cơ quan tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự, giao dịch giữa bị cáo và bà T. là giao dịch dân sự vì hai bên tự nguyện hoàn toàn.

HĐXX nhận định bị cáo Tuyền không thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận chính là người viết và ký tên trên 13 giấy vay tiền. Ngoài ra, lời khai các bên, biên bản hỏi cung, biên bản đối chất cũng là căn cứ chứng minh bị cáo có hành vi phạm tội như cáo trạng thể hiện. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuyền mức án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bị cáo Tuyền kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án trên, hủy hoặc sửa án, tuyên bị cáo không phạm tội. Trong khi đó, bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt với Tuyền.

Sau đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM có kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo đó, kháng nghị cho rằng việc xét xử bị cáo Tuyền về hành vi lừa đảo là có căn cứ; tuy nhiên có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội là ông Nguyễn Nghĩa, chồng bị cáo Tuyền với vai trò giúp sức.

Cụ thể, bản thân ông Nghĩa trước đó đã ký hợp đồng chuyển nhượng hai trong ba mảnh đất trên cho người khác. Thế nhưng sau đó ông vẫn tiếp tục cùng bị cáo Tuyền ký hợp đồng chuyển nhượng ba tài sản trên cho bà T. để vợ chiếm đoạt tiền.

Từ đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo đúng thủ tục.