1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vợ cựu Tổng giám đốc Vinalines kêu oan cho chồng

Trước phiên phúc thẩm dự kiến được mở vào 22/4 tới, cựu Tổng GĐ Vinalines - Mai Văn Phúc đã làm đơn chống án, cho rằng mình không liên quan đến những cáo buộc trước tòa. Vợ ông này cũng đã làm đơn kêu oan cho chồng, gửi các cơ quan chức năng…

Bị cáo Mai Văn Phúc (phải) tại phiên toà sơ thẩm

Bị cáo Mai Văn Phúc (phải) tại phiên toà sơ thẩm

Không được ăn chia 1,66 triệu USD?

Trong đơn chống án gửi TAND Tối cao, cựu Tổng GĐ Vinaline Mai Văn Phúc kêu oan, và cho rằng, bản thân không liên quan đến những sai phạm ở Vinalines, nhất là hành vi tham ô 10 tỷ từ tiền “bôi trơn” của một Cty nước ngoài.

Ông Phúc giải trình: “Đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã đưa ra 2 căn cứ để buộc tội tôi về tội danh này: Đã gặp ông Goh - Cty Singapore một lần và theo lời khai của Trần Hải Sơn đã đưa cho tôi 10 tỷ đồng, 2 lần, mỗi lần 2,5 tỷ đồng và 1 lần 5 tỷ đồng. Cả hai căn cứ trên tôi đã giải trình tại tòa là không đúng”.

Trước khi dừng đơn, vợ cựu Tổng GD Vinalines đã dẫn ra các yếu tố nhằm giảm án cho chồng, như việc gia đình chồng ba đời làm cách mạng, ông bà của Mai Văn Phúc từng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, có nhiều huân huy chương…

Theo ông Phúc, Trần Hải Sơn đã khai man, vu khống cho ông này. “Mọi thỏa thuận ăn chia về khoản tiền 1,66 triệu USD, theo kết quả của cơ quan điều tra, đã được nêu trong trang 16 và 18 của cáo trạng, đã được thực hiện từ trước khi tôi về nhậm chức Tổng GĐ. Tôi hoàn toàn không liên quan, không biết gì về khoản tiền này. Vậy kính mong được quý Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao xem xét, chỉ đạo làm rõ để tìm ra được sự thật, vừa minh oan giúp tôi” - ông Phúc viết trong đơn kháng án.

Về hành vi Cố ý làm trái, ông Phúc nại rằng, việc cơ quan công tố quy kết cựu Tổng GĐ Vinalines đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng về phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, khi địa điểm xây dựng nhà máy này chưa được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành là không có cơ sở. Bởi lẽ: “Thời điểm đó được xác định bằng Quyết định 161/HĐQT của Hội đồng quản trị Vinalines vào ngày 24/2/2001, khi tôi còn chưa về Vinalines nhậm chức Tổng GĐ” - ông Phúc giải trình.

Vợ ông Phúc cũng lên tiếng

Lo lắng cho bản án tử hình đối với chồng, bà Ngô Thị Vân (SN 1961, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng làm đơn kêu oan gửi tới các cơ quan chức năng. Nhắc đến nội dung tham ô 10 tỷ đồng mà chồng bà bị cáo buộc, bà Vân cho rằng, còn những dấu hiệu chưa thỏa đáng.

“Những lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn không có chứng cứ, bịa đặt, đổ tội tham ô cho chồng tôi. Khoản tiền 10 tỷ là rất lớn, bị cáo Sơn nói đưa cho chồng tôi nhiều lần, là vợ của bị cáo Mai Văn Phúc, tôi phải biết rõ. Ông Sơn nói đưa tiền đến nhà ông Phúc ở làng quốc tế Thăng Long có gặp người phụ nữ, nhưng người phụ nữ đấy là ai, xin cho đối chất?” - bà Vân viết trong đơn cầu cứu.

Cũng trong đơn kêu oan, bà này còn khẳng định, việc bị cáo Trần Hải Sơn khai có đưa tiền cho gia đình ông Phúc ở Hải Phòng, khi gia đình đang có đám giỗ, hay sinh nhật là không đúng.

“Nhà tôi, tôi biết rõ, không có bất cứ đám giỗ hay sinh nhật vào ngày cận kề Tết cổ truyền đó cả. Hơn nữa, việc rút tiền ở ngân hàng không có chứng cứ lưu lại là việc hoàn toàn vô lý. Vì rút vài nghìn đồng đã có chứng cứ, chứ chưa nói đến số tiền cả tỷ đồng như thế này. Việc lời khai của bị cáo Sơn phù hợp với lời khai của bà Hà, bà Huyền - chị em gái của Sơn và Long (chồng của Hà) - đều là người trong cùng một gia đình, tôi nghĩ không đủ yếu tố thuyết phục” - bà Vân dẫn chứng.

Lời kháng án kêu oan của ông Phúc đúng sai thế nào, sẽ được xem xét tại phiên phúc thẩm sắp tới.

Theo Bảo Thắng
Tiền phong