1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhân ngày luật sư Việt Nam (10/10):

Vinh dự và trách nhiệm của luật sư

(Dân trí) – Năm 2013 là năm đầu tiên có ngày vinh danh Luật sư Việt Nam (10/10). Nhân sự kiện này, PV báo Dân trí điện tử có buổi trao đổi với LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam
 
Ngày 10/10/1945 Bác Hồ thay mặt chính phủ lâm thời Việt nam dân chủ cộng hòa đã ban hành sắc lệnh số 46/SL về luật sư và đầu năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 149/QĐ-TTg lấy ngày mùng 10 tháng 10 hàng năm là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam. Nhân sự kiện trọng đại này, Liên đoàn luật sư Việt Nam muốn gửi tới cộng đồng xã hội những thông điệp gì về luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam, thưa ông?

LS. TS. Đỗ Ngọc Thịnh: Luật sư và nghề luật sư là một trong các yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ luật sư và nghề luật sư đang có rất nhiều cơ hội phát triển.

Thời gian qua, đội ngũ luật sư đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động tư pháp, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, cho cá nhân và các tổ chức kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế, dân số của nước ta sẽ lên tới trên 100 triệu người, hiện tại chỉ có hơn 8.000 luật sư, cho thấy số lượng và kể cả chất lượng luật sư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Điều này đòi hỏi Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư cần phải có chiến lược phát triển để khẳng định được uy tín và khả năng của mình đóng góp cho đất nước.

Bên cạnh đó, cơ chế kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi và phát triển, mô hình tố tụng nói chung và mô hình tố tụng hình sự nói riêng còn đang trong quá trình cải cách, do đó trong quá trình hành nghề luật sư còn gặp nhiều khó khăn, cản trở.

Đó cũng là một trong các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư; đặc biệt luật sư bị cản trở, gây khó khăn trong nhiều vụ án hình sự ở giai đoạn điều tra và truy tố.

Mặt khác, mỗi một luật sư cần phải rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp để có khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội.

Trong quá trình hành nghề, được biết luật sư cũng chịu nhiều áp lực và rủi ro, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

LS. TS Đỗ Ngọc Thịnh:  Theo tôi có thể phân làm 3 loại. Thứ nhất, áp lực và rủi ro đến từ chính khách hàng khi họ yêu cầu luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý. Luật sư phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho họ, tuy vậy, luật sư cũng phải có cách ứng xử phù hợp khi những yêu cầu của khách hàng không phù hợp với pháp luật, đạo đức nghề nghiệp luật sư, hoặc không đúng với hợp đồng dịch vụ đã ký.  Luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng nhưng cũng không thể vượt qua hàng rào của luật pháp và đạo đức xã hội .

Thứ hai, áp lực, rủi ro đến với luật sư từ phía các cơ quan công quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Quan hệ bình đẳng phối hợp giữa các cơ quan công quyền với luật sư vẫn còn là lý thuyết nhiều hơn chứ thực tiễn ít diễn ra như vậy nên mỗi một luật sư cần phải nhận thức đầy đủ, toàn diện mối quan hệ này để có thể làm trọn bổn phận với khách hàng, đồng thời  phối hợp tốt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hạn chế tối đa các áp lực và rủi ro đến từ phía cơ quan nhà nước.

Thứ ba, áp lực và rủi ro đến với luật sư là xuất phát từ chính bản thân luật sư. Khi trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của luật sư vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thì vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Luật sư chỉ thấy vui và hạnh phúc khi giúp ích và làm trọn bổn phận với khách hàng, với xã hội và cho chính bản thân mình.

Theo ông, Liên đoàn luật sự Việt Nam phải làm gì để giúp các luật sư vượt qua những áp lực và rủi ro trong hành nghề?

LS. TS Đỗ Ngọc Thịnh: Nhận thức được trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền lợi cho luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam không ngừng tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho luật sư, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho luật sư. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để luật sư học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để có thể cung cấp tốt các dịch vụ pháp lý, đồng thời phòng ngừa các áp lực và rủi ro đến với luật sư trong quá trình hành nghề.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng với Đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố và các luật sư xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư ,tạo  lập niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội về đội ngũ luật sư Việt Nam đông về số lượng, mạnh về chất lượng, có khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng đáp ứng nhu cầu của cộng đồng xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Công Tâm