1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vì sao cần tăng hình phạt đối với 18 bị cáo trong đại án đăng kiểm?

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo kháng nghị, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên mức án đối với các bị cáo quá nhẹ là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tạo tiền lệ xấu.

Sáng 6/1, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 139 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm ở TPHCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Vì sao cần tăng hình phạt đối với 18 bị cáo trong đại án đăng kiểm? - 1

Bị cáo Đặng Việt Hà tại tòa sáng 6/1 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Phiên tòa được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 139 bị cáo và kháng nghị của VKSND TPHCM đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Vụ án được xét xử trực tiếp tại trụ sở TAND Cấp cao ở TPHCM, kết hợp với điểm cầu tại Trại tạm giam T30 Công an TPHCM (huyện Củ Chi).

Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa và dự kiến kéo dài đến ngày 17/1.

Hồi tháng 8/2024, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (cục trưởng từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) 19 năm tù về tội Nhận hối lộ và 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt bị cáo Hình phải chấp hành là 25 năm tù.

Bị cáo Đặng Việt Hà (cục trưởng từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) lĩnh 19 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (cựu phó Cục trưởng) lĩnh 4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới - Phòng VAR) 14 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1 năm tù, nhưng cho hưởng án treo (có 73 bị cáo được hưởng án treo) đến 30 năm tù.

Sau phán quyết trên, ông Hình, ông Hà cùng hơn 100 đồng phạm có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Đồng thời, VKSND TPHCM có kháng nghị tăng hình phạt đối với 18 bị cáo gồm: Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương, Đặng Phong, Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam, Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Văn Thái, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang, Nguyễn Minh Trị.

Vì sao cần tăng hình phạt đối với 18 bị cáo trong đại án đăng kiểm? - 2

Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo VKSND TPHCM, vụ án này có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện nội thủy. 

Hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện trong thời gian dài, xảy ra một cách có hệ thống từ cao nhất là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đến đăng kiểm viên, thậm chí cả bảo vệ, học việc cùng nhau thực hiện.

Theo kháng nghị, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên xử mức án đối với các bị cáo quá nhẹ là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, tạo tiền lệ xấu trong việc áp dụng hình phạt khi xét xử và không công bằng đối với các bị cáo có hành vi tương tự.

Bị cáo Trần Văn Cảnh (Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 83-02D) chỉ đạo nhân viên ký giả 159 chữ ký, VKS đề nghị 9-10 năm, tòa tuyên 3 năm. 

Mức án của bị cáo Cảnh thấp hơn so với các nhân viên cấp dưới bị chỉ đạo ký giả chữ ký như: Nguyễn Thanh Đông (7 năm tù), Trần Minh Lý (7 năm), Lê Thị Diễm Mi (5 năm), Vũ Thanh Toàn (4 năm), Danh Rau (3 năm).

Vì sao cần tăng hình phạt đối với 18 bị cáo trong đại án đăng kiểm? - 3

Phiên tòa được truyền hình trực tiếp qua phòng theo dõi (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Bị cáo Sơn Minh Khương (Trung tâm 62-03D) ký giả 432 chữ ký, VKS đề nghị 10-11 năm, tòa tuyên 5 năm tù; Đặng Phong Em (Trung tâm 71-02D) ký giả 293 chữ ký, VKS đề nghị 7-8 năm, tòa tuyên 4 năm tù, nhẹ hơn các bị cáo ký giả ít hơn như: Nguyễn Thanh Đông (202 chữ ký giả, 7 năm tù), Trần Minh Lý (93 chữ ký giả, 7 năm tù), Lê Thị Diễm Mi (46 chữ ký giả, 5 năm tù), Vũ Thanh Toàn (88 chữ ký giả, 4 năm tù).

Bị cáo Nguyễn Minh Trị (Trung tâm 50-14D) bị xử lý về tội Nhận hối lộ, với tổng số tiền nhận hối lộ phải chịu trách nhiệm là 6,7 tỷ đồng.

Bị cáo Trị là người trực tiếp chỉ đạo việc bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện, ký cấp giấy chứng nhận kiểm định đạt. VKS đề nghị 14-15 năm, tòa xử 7 năm tù, nhẹ hơn so với các bị cáo khác như: Phạm Văn Nối (hưởng lợi 40 triệu đồng, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 7 năm tù), Trần Thế Hơn (hưởng lợi 99 triệu đồng, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 7 năm 6 tháng tù), Nguyễn Văn Cường (hưởng lợi 89 triệu đồng, đã nộp lại toàn bộ, bị xử 8 năm tù)…

Các bị cáo Nguyễn Minh Trị, Trần Văn Cảnh và Huỳnh Thái Bảo, tòa án tuyên mức án thấp hơn 6 năm tù so với đề nghị của VKS về tội Giả mạo trong công tác là không phù hợp.