Vì sao bà Trương Mỹ Lan bị truy tố theo Bộ luật Hình sự năm 1999?
(Dân trí) - Theo nhà chức trách, hành vi của bà Trương Mỹ Lan diễn ra trong thời gian dài, trước khi Bộ luật Hình sự hiện hành có hiệu lực, áp dụng nguyên tắc có lợi nên áp dụng luật cũ.
Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị can bị truy tố trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, về các tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Lý giải về việc trên, VKSND Tối cáo cho rằng bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (ngày Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực - PV).
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017, của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành tương ứng với thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì những hành vi xảy ra trước ngày 1/1/2018 xử lý theo điều, khoản tương ứng (điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999.
Những hành vi sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (Điều 353, Điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị can.
Trên cơ sở kết quả điều tra, kết quả công tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã ra soát, phân loại xử lý các bị can theo các tội danh cụ thể tương ứng với vị trí, vai trò, số lượng, tính chất, mức độ hành vi và lỗi của từng bị can.
Theo cáo trạng, tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện: tổng số tiền SCB huy động của người dân, vay của các quan tổ chức khác tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 673.586 tỷ đồng (gồm 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá, 66.030 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước, 12.693 tỷ đồng tiền gửi và 6.756 tỷ đồng vay của các tổ chức tín dụng khác).
Vốn chủ sở hữu của SCB tại thời điểm ngày 17/10/2022, được ghi nhận trên sổ sách là 21.036 tỷ đồng, âm vốn sở hữu 443769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định về mặt pháp lý SCB và các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát hoạch toán tài chính kế toán, kê khai báo cáo thuế độc lập nhưng về bản chất các pháp nhân này được Trương Mỹ Lan thành lập mới hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của các công ty khác, chỉ đạo người thân quen hoặc nhờ các cá nhân khác đứng tên hộ. Do vậy, các pháp nhân đều thuộc sở hữu hoặc chịu sự điều hành của bà Lan.
Trong thời gian từ ngày 1/1/2012 đến hành 17/10/2012, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo, điều hành các cá nhân là cán bộ nhân viên chủ chốt tại SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nhiều hành vi sai phạm để thao túng SCB vi phạm các hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan tới ngân hàng, tham ô tài sản…
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Hành vi của bà Lan còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.
Theo cơ quan tố tụng, hành vi của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.