1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Quyền lực tuyệt đối của bà Trương Mỹ Lan tại SCB

Hải Nam

(Dân trí) - Thông qua những đàn em thân tín do chính tay bà Lan sắp xếp vào các vị trí chủ chốt của SCB, bà Lan đã biến ngân hàng trở thành công cụ để "rút ruột", chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng.

Trong cáo trạng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, VKSND Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 3 tội danh: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo trạng, dù không giữ chức vụ quản lý nào tại ngân hàng SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan lại có quyền lực tuyệt đối, chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này.

Thông qua những đàn em thân tín do chính tay bà Lan sắp xếp vào các vị trí chủ chốt của SCB, bà Lan đã biến ngân hàng trở thành công cụ để "rút ruột", chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng.

Để rút được tiền từ SCB, bà Lan chỉ đạo thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty; thuê và sử dụng hàng nghìn pháp nhân; đồng thời thông đồng với các công ty thẩm định giá...

Quyền lực tuyệt đối của bà Trương Mỹ Lan tại SCB  - 1

Bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: H.N.).

Đặc biệt, để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, năm 2020, bà Lan yêu cầu Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB) thành lập 3 đơn vị cho vay trực thuộc ngân hàng này, gồm: Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân.

Ba đơn vị nêu trên chỉ có nhiệm vụ chính là xử lý các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát; thậm chí không có bộ phận kho quỹ, con dấu riêng.

Từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2022, 3 đơn vị trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay của Vạn Thịnh Phát với dư nợ gần 213.000 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan tại SCB.

Theo cáo trạng, thời điểm khởi tố vụ án, hệ thống sổ sách của SCB thể hiện ngân hàng này đã huy động hơn 673.000 tỷ đồng của người dân và các tổ chức khác, trong đó, tiền gửi của khách hàng là hơn 511.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước thuê đơn vị kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB, ngân hàng này lộ ra đang âm chủ sở hữu 443.700 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.500 tỷ đồng.

Cáo trạng của VKSND Tối cao cáo buộc, trong gần 1.300 khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, gần 700 khoản có dư nợ hơn 382.000 tỷ đồng chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại thì tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản.