1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vai trò của nguyên Tổng Giám đốc FLC đang bỏ trốn trong vụ Trịnh Văn Quyết

Hải Nam

(Dân trí) - Theo kết luận điều tra, ngày 27/3/2022, ông Doãn Văn Phương đã xuất cảnh đi Anh, đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 51 bị can về nhiều tội danh. Trong đó, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Faros Doãn Văn Phương bị điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết luận điều tra, khi đang là Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, ông Phương được giao kiêm làm Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Faros.

Với vai trò là Chủ tịch Faros, ông Phương chỉ đạo các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc và các cá nhân thuộc Faros ban hành các nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kết toán hợp thức việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống, lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ Công ty Faros.

Từ đó giúp ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Vai trò của nguyên Tổng Giám đốc FLC đang bỏ trốn trong vụ Trịnh Văn Quyết - 1

Ông Doãn Văn Phương (Ảnh: F.L.).

Riêng đối với hành vi để tăng vốn điều lệ khống của Công ty Faros, Bộ Công an cáo buộc, ông Phương đã chỉ đạo và trực tiếp ký các tờ trình, biên bản, nghị quyết của HĐQT để ra chủ trương về việc tăng vốn khống ở các lần tăng vốn thứ 3, 4, 5.

Cụ thể, ngày 20/7/2015, ông Phương ký Tờ trình Đại hội cổ đông về phương án phát hành tăng vốn, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông; ngày 22/7/2015 ký Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ từ 1.125 tỷ đồng lên 3.037 tỷ đồng ở lần tăng vốn thứ 3.

Ngày 18/12/2015, ông Phương ký Nghị quyết số 10 về việc thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ từ 3.037 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.

Chữ ký của ông Phương có trong Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết số 2 ngày 13/1/2016 về việc đăng ký tăng vốn điều lệ từ 3.037 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng ở lần tăng vốn thứ 4.

Tiếp đó, ông Phương ký tờ trình đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng; Nghị quyết số02 ngày 29/2/2016 về việc sáp nhập Công ty RTS vào Công ty Faros với tổng giá trị vốn điều lệ được ghi nhận là 800 tỷ đồng (khống 400 tỷ đồng); ký ban hành Nghị quyết về việc đăng ký vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Theo Bộ Công an, mặc dù thực tế các cổ đông không góp đủ 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng ông Phương vẫn ký, ban hành Nghị quyết về việc đăng ký và niêm yết 430 triệu cổ phiếu của Công ty Faros lên sàn giao dịch chứng khoán.

Để hợp thức hạch toán kế toán cho việc góp vốn khống tại Công ty Faros, ông Phương đã ký 18 giấy rút tiền mặt để em gái ông Quyết sử dụng rút 900 tỷ đồng vốn góp ra khỏi tài khoản của Công ty Faros; ký 12 ủy nhiệm chi để làm thủ tục chuyển 296,5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Bình Định FLC đến tài khoản của các cá nhân khác nhau nhằm tạo dòng tiền, hình thành công nợ ảo...

Ngoài ra, ông Phương còn bị cáo buộc chỉ đạo các Tổng Giám đốc ở các giai đoạn khác nhau ký 115 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn khống với tổng giá trị hơn 7.381 tỷ đồng để hợp thức che giấu số vốn khống.

Theo kết luận điều tra, ngày 27/3/2022, ông Phương đã xuất cảnh đi Anh, đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định bị can này đã bỏ trốn, nên tách hành vi, tài liệu có liên quan để điều tra xử lý sau.