“Út trọc” Đinh Ngọc Hệ nói gì khi tự bào chữa? | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

“Út trọc” Đinh Ngọc Hệ nói gì khi tự bào chữa?

(Dân trí) - Trình bày tại tòa sau khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội, đề nghị mức án 12-15 năm tù, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trình bày dài về cáo buộc bản thân sử dụng bằng đại học giả. Tự nhận bản thân trình độ thấp, năng lực điều hành hạn chế, bị cáo Hệ nhận trách nhiệm là người đứng đầu.


Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử

Đinh Ngọc Hệ: Bị cáo không bao giờ vụ lợi

Sáng 31/7, phiên xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của các bị cáo và luật sư bào chữa. Luật sư của bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng, việc truy tố thân chủ của mình phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không phù hợp.

Theo trình bày của luật sư, sau khi Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thoái vốn lần đầu thì theo luật Doanh nghiệp, Cty Thái Sơn Bộ QP không được coi là doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, bị cáo Hệ không thuộc diện “thi hành công vụ”.

Về việc bị cáo Hệ ký hợp đồng thế chấp xe biển quân sự và biển xanh 80A, luật sư cho rằng, bị cáo Hệ ký là thực hiện đúng nhiệm vụ mà công ty giao, với tư cách người đại diện theo pháp luật và phải thi hành. Việc cho thuê xe đã được Đại hội đồng cổ đông cũng như HĐQT Cty Thái Sơn Bộ QP thông qua. Do đó, theo luật sư, không thể nói bị cáo Hệ lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Bên cạnh đó, việc thế chấp không ảnh hưởng đến việc sử dụng các tài sản này; không có chứng cứ chứng minh thiệt hại từ việc thế chấp và tài sản thế chấp cũng chưa bị xử lý.

Về hợp đồng gửi giữ xăng dầu giả mạo để tránh xử phạt, luật sư cho rằng, chưa đủ căn cứ nói Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo việc hợp thức hóa số xăng dầu kém chất lượng, câu kết với bị cáo Bùi Văn Tiệp để ký hợp đồng khống.

Trình bày về lần gặp nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai rằng, thông thường, khi đi gặp các lãnh đạo, bị cáo đều đưa cấp dưới đi cùng “để sau này có những công việc”.

“Bị cáo có nói bị cáo Lâm đi cùng với anh gặp ông Cung để sau này tất cả những công việc xin chủ trương ở trên chỗ làm con đường. Lên gặp ông Cung được mấy phút, bị cáo lên xe đi luôn, còn giới thiệu ông Cung đây là anh Lâm, giám đốc bên em, sau đây có vấn đề.” - bị cáo Hệ trình bày.

Nói về tấm bằng đại học giả, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trình bày, do xuất thân từ nông thôn, nhà nghèo, trình độ thấp nên khi được bạn bè nói không cần đi học cũng có bằng đại học thì Hệ mới làm và khi Uỷ ban Kiểm tra vào, bị cáo mới biết việc đó là có lỗi và “đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý”. Đến năm 2005, bị cáo không sử dụng bằng giả đó nữa.

Theo trình bày của bị cáo Hệ, đến 2010, nếu bình thường từ 2000-2011, bị cáo không khai bằng của Đại học Kinh tế quốc dân vẫn lên Trung tá nhưng chỉ có là trung cấp nhóm 1 vì bị cáo học ở chỗ Nhà Bè. Năm 2012, bị cáo lên Thượng tá và khi xảy ra việc đó cả công ty sai. Đến 2014, Bộ sắp xếp lại thì tháng 3/2014, bị cáo đã có bằng Đại học chính quy.

Về cáo buộc nhiều lần sử dụng bằng đại học giả đưa vào hồ sơ, bị cáo Hệ cho rằng, do bị cáo dân trí thấp, chữ xấu nên có nhờ người khác khai hộ lý lịch Đảng viên. Lúc đó, bị cáo không biết sai nhưng giờ biết việc đó là sai thì chịu trách nhiệm nhưng mong HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ vì bản thân không cố ý.

Liên quan đến vai trò ở Cty Thái Sơn Bộ QP, bị cáo Hệ nói luôn làm vì công ty chứ không bao giờ vụ lợi.

“Bị cáo không sử dụng một cắc nào từ tài khoản của Công ty Thái Sơn để chi tiêu cá nhân.” - bị cáo Hệ nói, đồng thời cho rằng, bị cáo không có trình độ, năng lực điều hành hạn chế về sổ sách nên mới phải thuê giám đốc. Ban giám đốc điều hành tự chủ động, quyết định, làm việc chứ bây giờ tất cả quy chụp hết cho bị cáo. Nhận những gì thuộc trách nhiệm người đứng đầu, bị cáo Hệ mong HĐXX xem xét lại quy buộc bị cáo có vai trò chỉ đạo.

Viện Kiểm sát: Bị cáo Hệ có chức vụ, có động cơ cá nhân

Đối đáp với quan điểm của bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng như luật sư bào chữa cho bị cáo này, đại diện Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7 thực hành quyền công tố tại tòa dẫn các quy định của pháp luật để khẳng định, bị cáo Hệ là người có chức vụ quyền hạn. Cụ thể, bị cáo này được bổ nhiệm về cấp bậc là Thượng tá, chức vụ Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn; Chủ tịch HĐQT, TGĐ một công ty con. Bản thân bị cáo ký các quyết định bổ nhiệm các chức danh cho bị cáo Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn.


Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm tại tòa

Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm tại tòa

“Bị cáo hệ có hay không hoạt động công vụ? Nhiệm vụ của Hệ là được Tổng Công ty cửa xuống Cty CP phát triển đầu tư Thái Sơn để bảo toàn vốn. Đây là hoạt động công vụ.” - đại diện Viện Kiểm sát nói.

Về lời bào chữa cho rằng bị cáo Hệ không có động cơ cá nhân, đại diện VKS đặt câu hỏi, tại sao lại đổi tên công ty là Cty Thái Sơn Bộ QP. Việc làm này gây sự hiểu lầm trong xã hội và thực tế đã gây hiểu lầm, khiến mọi người nghĩ rằng Cty Thái Sơn Bộ QP là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Đại diện VKS cũng khẳng định, bị cáo Hệ có động cơ cá nhân trong việc đăng ký xe biển quân sự, biển xanh 80A vì luật giao thông đường bộ có ưu tiên các xe mang loại biển này.

Theo đại diện VKS, động cơ cá nhân, mang lại lợi ích cho cá nhân bị cáo Hệ còn được thể hiện ở việc bị cáo này nhiều lần sử dụng bằng đại học giả đưa vào hồ sơ để được nâng lương, lên quân hàm.

Về quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Hệ cho rằng không có thiệt hại trong việc làm giả hợp đồng gửi giữ xăng dầu, đại diện VKS dẫn lời khai cũng như phần bào chữa của các bị cáo khác để chứng minh số tiền gần 1,5 tỷ đồng thiệt hại là từ hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Hệ.

Về việc cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, biển xanh 80A, đại diện VKS cho biết, các hợp đồng đã được công bố, có trong các bút lục lời khai. Hành vi của các bị cáo đã vi phạm quy định của Nhà nước về việc nghiêm cấm sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, mục đích khác không phục vụ chiến đấu và các công tác quân đội.

“Các luật sư cho rằng chứng minh được thiệt hại? Các bị cáo thu được hơn 6 tỷ từ cho thuê xe. Đó là thiệt hại về danh dự, uy tín quân đội.” – đại diện VKS nêu và khẳng định số tiền hơn 6 tỷ đồng là nguồn thu bất chính.

Về hành vi làm giả hợp đồng gửi giữ xăng dầu, từ các biên bản được công bố, các quy định về đánh giá thiệt hại của Cục QLTT và lời khai các bị cáo khác, lời bào chữa đã chứng minh bị cáo Hệ là người trực tiếp điện thoại cho ông Lê Thanh Cung và bị cáo Bùi Văn Tiệp. Bị cáo Trần Văn Lâm là người thực hiện chỉ đạo của Hệ.

Tiến Nguyên