Tuyên án nhóm bác sĩ làm khống hơn 1.000 hồ sơ khám sức khỏe ở Kiên Giang
(Dân trí) - Một bảo vệ của trung tâm y tế huyện Gò Quao (Kiên Giang), đã cấu kết với nhóm bác sĩ làm khống hơn 1.000 hồ sơ khám sức khỏe cho người thi giấy phép lái xe, thu lời bất chính gần 23 triệu đồng.
Chiều 24/4, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt nhóm bảo vệ, bác sĩ và nhóm cộng tác viên lập khống hơn 1.000 hồ sơ khám sức khỏe.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ 2019-2021, Trần Thanh Phong (SN 1981), nhân viên bảo vệ; Huỳnh Long (SN 1979), Danh Chánh Tuy (SN 1968) và Lâm Thị Minh Phụng (SN 1971), là bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Gò Quao (Kiên Giang) đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, làm giả giấy khám sức khỏe (không có người đến khám trực tiếp) để bổ sung hồ sơ thi sát hạch lái xe hạng A1.
Theo lời khai của các bị cáo, Phong đã trao đổi, thỏa thuận với Tuy, Long, Phụng làm giả giấy khám sức khỏe cho 4 bị cáo gồm: Nguyễn Thị Huyền Nga (SN 1957) và Lê Hoàng Xuân, cộng tác viên Trung tâm dạy nghề Thanh niên Kiên Giang; Nguyễn Chí Lợi (SN 1967) và Lê Thị Hồng Gấm (SN 1982), cộng tác viên Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Kiên Giang.
Mặc dù, biết mình không được phân công nhiệm vụ ký kết luận giấy khám sức khỏe nhưng bị cáo Long, Phụng và Tuy đã thực hiện việc ký xác nhận kết luận khống giấy khám sức khỏe cho 4 bị cáo nói trên tổng cộng gần 1.700 giấy, thu lợi bất chính số tiền trên 48 triệu đồng.
Riêng bị cáo Phong đã lợi dụng việc được giao giữ chìa khóa tủ con dấu của Trung tâm Y tế huyện Gò Quao, đóng dấu vào các giấy khám sức khỏe khống nói trên, thu lợi bất chính số tiền gần 23 triệu đồng.
Đối với Nga, Lợi, Gấm, Xuân là cộng tác viên của các Trung tâm và Trường dạy lái xe, nhận thức được việc khám sức khỏe mà không có người trực tiếp đến khám là không đúng theo quy định. Nhưng vì mục đích muốn thu hút học viên tham gia học ngày càng nhiều để được hưởng lợi trong quá trình dạy lý thuyết.
Từ đó, Nga, Lợi, Gấm và Xuân đã cấu kết với Phong và Phụng làm khống giấy khám sức khỏe cho học viên dự thi giấy phép lái xe hạng A1 (mà không cần phải trực tiếp đến khám) tổng cộng gần 750 giấy, thu lợi bất chính số tiền gần 17 triệu đồng.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mức án đối với 8 bị cáo về tội Giả mạo trong công tác. Cụ thể, bị cáo Phong 13 năm tù; 3 bị cáo Phụng, Long, Nga mỗi người 12 năm tù. Bị cáo Tuy 8 năm tù; bị cáo Lợi 7 năm tù, bị cáo Gấm 3 năm tù và bị cáo Xuân 1 năm tù. Các bị cáo về tội Giả mạo trong công tác.
Đồng thời, Hội đồng xét xử buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính để sung vào công quỹ Nhà nước.