1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phú Thọ:

Tự xưng cán bộ "VIP", lừa 10 tỷ đồng chạy trường, chạy việc

Đến ngày 6/11, danh sách các nạn nhân trong vụ lừa đảo đã lên tới 40 người và chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó… với số tiền bị chiếm đoạt ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Đây là vụ lừa đảo xin việc làm, chạy công chức lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Sau khi bắt giữ đối tượng chính trong vụ án là Bùi Thị Hoàng Yến (44 tuổi, trú tại khu 6, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Phú Thọ đã vận động Đào Văn Cường (43 tuổi, trú tại khu Thông Đậu, phường Minh Nông, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đến cơ quan Công an đầu thú.  

Khoảng tháng 5/2013, Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn trình báo của anh Trần Văn Lý (trú tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), tố giác Yến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiến hành xác minh đơn của các công dân, Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ xác định vào cuối năm 2012, Yến gặp anh Lý và một số nạn nhân khác như chị Nguyễn Thị Loan, trú tại Sơn La; Nguyễn Thị Ngọc; Phạm Minh Phước cùng trú tại huyện Thanh Ba… và một số người khác.

Khi gặp những người này, Yến giới thiệu đang công tác tại Trung tâm Kiểm nghiệm Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, có thể xin việc làm ở nhiều lĩnh vực, vị trí khác nhau. Trong đó đáng chú ý là chạy vào các trường trong lực lượng Công an nhân dân. Tin lời, anh Lý và các nạn nhân trong vụ án đã nhiều lần đưa hồ sơ và gần 2,3 tỷ đồng cho Yến để xin việc.

Sau khi nhận tiền, Yến giữ lại khoảng 600 triệu đồng để chi tiêu cá nhân, phần còn lại chuyển đến cho đối tượng tên là Cường. Việc chuyển tiền giữa Yến và Cường được thực hiện qua một người xe ôm ở phường Nông Trang, TP Việt Trì. Tiến hành xác minh, Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ xác định đối tượng đó là Nguyễn Hữu Thỉnh (trú tại phường Nông Trang, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Trong quá trình điều tra vụ án này, Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định một số trường hợp vừa là bị hại vừa là những người tiếp tay cho hành vi phạm tội của Yến như trường hợp Vũ Đình Mô và Bùi Thị Tuyết Nhung (đều trú tại tỉnh Phú Thọ).

Sau khi thu tiền và hồ sơ của một số người có nhu cầu xin việc làm, chạy công chức, hai người này đã giữ lại một phần để chi tiêu. Yến có thể dễ dàng chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ vì vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Yến đang là một cán bộ Nhà nước.

Bên cạnh đó, Yến thường đi cùng chồng là Trịnh Bảo Vinh, lúc đó đang là cán bộ công tác tại Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Phúc. Đối tượng này thường sử dụng xe ôtô đắt tiền và thêu dệt có mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh và trung ương, tạo niềm tin cho những người xin việc.

Sau khi nhận tiền của các bị hại, Yến giao một phần cho đối tượng Cường. Tiến hành xác minh, Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ Cường là Đào Văn Cường. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã Cường trên toàn quốc. Về phần Cường, sau khi vụ án bị lộ tẩy, đối tượng này dạt vào miền Nam lẩn trốn…

Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ đã vận động đối tượng này đến cơ quan Công an đầu thú. Yến khai: Từ năm 2010 đến thời điểm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phát hiện, đã nhận tiền của khoảng 70 - 80 trường hợp với số tiền ước tính lên đến gần 10 tỷ đồng. Trong số tiền này, Yến giữ lại khoảng 1 tỷ đồng, phần còn lại  đã chuyển cho Cường…

Lời khai của Yến là vậy nhưng đến thời điểm này (6/11), số liệu giữa Cường và Yến đều không trùng khớp. Tại cơ quan điều tra, Cường chỉ thừa nhận đã cầm của Yến 9 bộ hồ sơ và số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Và trên thực tế, Yến cũng chỉ có tài liệu chứng minh đã đưa cho Cường số tiền trên, bởi các lần nhận tiền giữa họ phần lớn đều thực hiện bằng miệng, không có hợp đồng cũng như giấy tờ chứng nhận. Về phần Cường, khi vụ việc bị lộ, thông qua vợ là Lê Thị Lan, Cường đã giao nộp hơn 600 triệu đồng tại Công an TP Việt Trì nhằm khắc phục một phần hậu quả.

Vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ. Đề nghị ai là bị hại của vụ án trên, đến Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ, gặp đồng chí Nam để giải quyết

Theo Xuân Mai
Công an nhân dân