1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Tự xử xe đậu trước nhà: Coi chừng dính tù

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ người dân tự làm luật, tự cho mình quyền bẻ kính, xịt sơn lên ô tô đậu ở lòng đường trước cửa nhà mình... Những hành vi này đều không được pháp luật cho phép và thậm chí có thể sẽ bị phạt tù tùy vàomức độ vi phạm.

Liên tiếp nhiều trường hợp các ô tô đậu tại một số tuyến đường (dù đậu tại khu vực không có bảng cấm) bị người dân hăm dọa, đòi hành hung khi chủ phương tiện phản ứng.

Người dân tự làm luật... không cho phép ô tô đậu

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một chiếc ô tô màu đen bị vẽ nhiều vết sơn màu trắng ở khắp vỏ ngoài của xe. Theo thông tin từ người đăng tải hình ảnh, thời điểm trên, chiếc xe đang dừng đỗ ở lề đường trước cửa một ngôi nhà ở ngõ 124, phố Hoàng Ngân (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Anh T. (chủ ô tô) sau khi phát hiện chiếc xe với chi chít vết sơn đã gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng. Anh T. cho hay toàn bộ vỏ ô tô của anh bị xước và vết bút xóa ăn vào phần sơn xe. Anh đã mang ô tô đi kiểm tra và phía hãng có báo lại chi phí sơn lại toàn bộ vỏ xe dự kiến hết khoảng 13 triệu đồng.

Theo anh T., anh muốn xử lý sự việc một cách hài hòa, không muốn căng thẳng nhưng người phụ nữ vẽ bút xóa lên ô tô của anh không thiện chí, muốn chối bỏ trách nhiệm, không hợp tác. Do vậy, anh đã phải làm đơn trình báo lên phường, yêu cầu xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Kết quả, bà ĐTT (chủ nhà) đã phải cùng anh T. đưa chiếc xe đi sửa chữa và khắc phục hậu quả với chi phí dự kiến do hãng xe thông báo khoảng 13 triệu đồng vì hành vi phá hoại tài sản của mình.

Một trường hợp khác, anh Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ quận Tân Bình, nhân viên văn phòng) bức xúc: “Thời gian trước, tôi đi ô tô vào đường Nguyễn Đình Khơi (phường 4, quận Tân Bình) để ăn sáng. Tôi đã quan sát kỹ khu vực đối diện quán phở không hề có bảng cấm đậu xe và cũng không phải là trước cửa hộ dân nào thì mới đậu xe. Tuy nhiên, chưa đầy 10 phút sau có một người phụ nữ xuất hiện la ó om sòm. “Người này cho rằng tôi không được phép đậu xe vào phần đường gần nhà của bà ta và yêu cầu tôi dời xe đi nơi khác nếu không sẽ đập phá xe của tôi. Tôi đã cố giải thích rằng mình đậu xe như thế là đúng pháp luật nhưng người phụ nữ này vẫn cố chấp và thái độ rất hung hăng. Vì không muốn đôi co với phụ nữ nên tôi đành bỏ dở tô phở đang ăn và lái xe đi nơi khác” - anh Hùng kể.

Tương tự anh Hùng, anh Nguyễn Quang (ngụ quận 10) chia sẻ anh từng gặp rất nhiều trường hợp người dân hung hăng, đòi gây sự không cho phép đậu xe. Điều đáng nói, nếu anh đậu xe tại khu vực có bảng cấm dừng, cấm đậu hoặc trước cửa nhà họ thì họ làm dữ còn được. Đằng này, mỗi khi đậu anh Quang đều quan sát kỹ càng, hợp tình, hợp lý nhưng vẫn có người ra gây sự.

Một số chủ nhà không cho phép đỗ ô tô trước nhà mình mặc dù đường được phép đậu xe. Ảnh minh họa: HTD
Một số chủ nhà không cho phép đỗ ô tô trước nhà mình mặc dù đường được phép đậu xe. Ảnh minh họa: HTD

“Tháng trước, tôi đậu ở đường 30-4 (quận Tân Phú) để vào làm việc với một đối tác. Đến lúc ra thì phát hiện xe bị mất biển số phía trước. Đế biển số để lại dấu vết bị giật, bể cả nhựa. Tôi hỏi mấy nhân viên của công ty bên cạnh thì họ nói rằng do xe tôi đậu trước công ty nên bà chủ ra giật biển số. Thực tế thì tôi đậu xe dưới lòng đường, không có biển cấm đậu. Và vị trí đậu xe cũng không che chắn đường ra vào của công ty, xe tải lúc đó vẫn ra vào bình thường” - anh Quang kể.

Anh Quang cho biết anh không thể chấp nhận kiểu hành xử như vậy. Anh đã giải thích cho những nhân viên kia rằng đó là hành vi hủy hoại tài sản, có thể bị khởi tố. Anh yêu cầu bà chủ doanh nghiệp xin lỗi và ráp lại biển số, nếu không sẽ báo cho cơ quan chức năng. Biết không thể làm căng, chủ doanh nghiệp kia đã phải làm đúng yêu cầu của anh Quang.

Anh Quang nói trong lúc chờ họ khắc phục lại biển số, người dân quanh xóm còn kể mới hôm trước, có một chiếc xe Toyota đậu đúng chỗ này và cũng chính bà chủ này ra đạp móp đầu xe của người ta. Tuy nhiên, có lẽ chủ xe “yếu bóng vía” nên đành lái xe đi, không dám phản ứng.

Dân tự đặt “biển cấm”

Sau chiến dịch dẹp buôn bán vỉa hè, lập lại trật tự lòng lề đường ở một số quận, huyện, tại nhiều nơi người dân đã “ăn theo” bằng cách tự lắp đặt bảng cấm đậu xe trong các con hẻm.

Cụ thể, tại con hẻm 525 thông qua hẻm 497 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, các hộ dân tự cắm các bảng với nội dung cấm đậu xe. Điều đáng nói là con hẻm này khá rộng nhưng dân không thích là không cho đậu. Anh LT kể do có việc cần đến giao dịch bản thảo với một nhà xuất bản đóng ở đây, mọi lần anh vẫn vào đậu xe ở một góc hẻm bình thường. Nhưng mới đây anh đi vào bị “dội” ra ngay vì những biển cấm tự phát này.

ông Nguyễn Văn An (78 tuổi, cựu chiến binh, ngụ đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) kể: “Hằng ngày nhiều ô tô chạy vào hẻm nhà chúng tôi rồi dừng đỗ. Vì vậy bà con trong tổ dân phố chúng tôi đã họp bàn để cùng nhau lắp bảng cấm này nhằm không cho phép các phương tiện dừng đỗ gây ách tắc hẻm, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi”.

Khi được hỏi người dân có được phép tự cấm bảng như vậy hay không, ông An cho biết: “Nội dung chúng tôi thể hiện trên bảng hoàn toàn chính đáng, phù hợp với quy định pháp luật chứ chúng tôi không có cấm điều không có căn cứ”...

Dân tự “làm luật” là “sai luật”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ công tác tại PC67 TP.HCM cho biết: “Vỉa hè, lòng đường trước nhà dân không phải là của dân… nên mọi người có thể dừng đỗ xe thoải mái. Tuy nhiên, việc người khác dừng đỗ gây cản trở giao thông thì mọi người có thể báo chính quyền địa phương đến xử lý, mặc dù nơi đó không quy định cấm dừng đỗ.

Không nên vì bức xúc của mình dẫn đến một sai phạm khác. Nếu chủ phương tiện sai phạm thì có cơ quan chức năng tiến hành xử lý vi phạm đó. Những nơi, những chỗ, những quy định… mà pháp luật không cấm (dừng đỗ) thì mọi công dân có quyền được làm, nơi nào cấm thì mọi công dân phải chấp hành. Việc ô tô đỗ trước cửa nhà dân bị vẽ chi chít lên xe, bị tháo kính xe, biển số… hoặc bị chủ nhà hăm dọa đòi đánh là hành vi không thể chấp nhận được”.

Theo Hồng Trâm

Pháp luật TP Hồ Chí Minh