1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tự bào chữa, ông Thăng nói không tư lợi, tư túi gì

(Dân trí) - Bản thân không chối bỏ trách nhiệm như cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát, ông Đinh La Thăng khẳng định, nếu có vi phạm thì ông xin hoàn toàn nhận trách nhiệm người đứng đầu. Bị cáo cũng khẳng định mình không tư lợi, tư túi gì.

Ông Thăng không đồng tình với lời khai của thuộc cấp

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát đọc bản luận tội, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 18-19 năm tù, cựu Chủ tịch HĐTV PVN được chủ tọa cho phép tự bào chữa.

Nói về chủ trương góp vốn mua cổ phần Oceanbank, bị cáo Thăng khẳng định, việc góp vốn này không phải chủ trương ban đầu mà là để giải quyết hệ lụy của việc thí điểm kinh doanh đa ngành của PVN, cụ thể là hệ lụy khi PVN không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt.

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa sáng 22/3.
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa sáng 22/3.

Theo trình bày của ông Thăng, ông đã chỉ đạo cán bộ tìm đối tác, ký một số thỏa thuận nhưng chỉ có Oceanbank chấp nhận các điều kiện mà PVN đưa ra như mua với giá bằng 1-1 và chấp nhận tiếp nhận toàn bộ nhân sự, cơ sở vật chất của Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt...

“Việc đầu tư vào Oceanbank bị cáo không hề vụ lợi, không có động cơ cá nhân.” - cựu Chủ tịch HĐTV PVN khẳng định trước tòa.

Về việc ký Thỏa thuận hợp tác với Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, ông Thăng nói đó là chủ trương đã được HĐQT biết và thống nhất, nghĩa là việc góp vốn đó là xử lý các hệ lụy trước đó mà mọi người đều biết.

“Thời gian đó bị cáo có trao đổi với các thành viên HĐTV Tập đoàn. Tháng 3/2017, bị cáo có gọi điện cho các thành viên nói về việc trước đây đã bàn bạc về chủ trương góp vốn, đề nghị xác nhận là có biết. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra gọi hỏi, các thành viên lại khai là do cả nể bị cáo nên ký nhận, bị cáo không đồng tình.

Thời điểm đó là tháng 3/2017, bị cáo chưa bị khởi tố. Việc xác nhận của các thành viên như cáo trạng nêu là để che giấu hành vi sai phạm là không đúng.” - ông Thăng trình bày.

Nói thêm về Thỏa thuận hợp tác ký với Hà Văn Thắm, bị cáo Thăng cho rằng, biên bản thỏa thuận đó chỉ để làm căn cứ để bị cáo báo cáo HĐQT. Trong cuộc họp ngày 30/9/2008, bị cáo đã thông báo với các thành viên là ký được thỏa thuận với Oceanbank.

“Nếu các thành viên đồng ý thì biên bản mới có hiệu lực... Biên bản làm việc là để ghi nhớ kết quả làm việc, không phải căn cứ pháp lý. Không có biên bản này thì không có căn cứ để báo cáo HĐQT.” - bị cáo Thăng nói.

“Việc mất vốn do Chính phủ không cho thoái vốn”

Trình bày về thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN như cáo buộc của đại diện VKS, bị cáo Thăng khẳng định, nếu PVN được thoái vốn sẽ không mất 800 tỷ đồng khi Oceanbank bị mua với giá 0 đồng.

“Việc thoái vốn PVN đã rất chủ động, từ năm 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn, được Thủ tướng đồng ý cho thoái vốn 100% trong giai đoạn năm 2013-2014. Việc này được Oceanbank đồng ý, 1 công ty của Singapore mua 15% và 1 công ty Việt Nam mua 5%. PVN đã báo cáo Thủ tướng như HĐXX đã biết, đầu tiên thủ tướng đồng ý nhưng sau 13 ngày lại không đồng ý vì Ngân hàng Nhà nước bảo phải chuyển vốn về NHNN. Nếu PVN được thoái vốn thì không thể bị mất. Tất cả các bên đều đồng thuận, PVN xin rút, Oceanbank cho rút, 2 công ty xin mua. Nếu Thủ tướng đồng ý thì không thể có việc mất 800 tỷ đồng… Xin HĐXX xem xét.” - ông Đinh La Thăng trình bày.

Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội.
Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội.

Cựu Chủ tịch HĐTV PVN cũng phản đối quyết định mua Oceanbank với giá 0 đồng dẫn tới PVN bị mất 800 tỷ đồng.

“Tòa án cũng đã yêu cầu Chính phủ xem xét việc mua 0 đồng. Chính phủ cũng có văn bản chấm dứt mua 0 đồng. Anh Hà Văn Thắm có hơn 60% cổ phần không biết gì việc mua 0 đồng, PVN nắm 20% cũng không biết.

Giả sử mua 0 đồng do kinh doanh thua lỗ thì Ngân hàng Nhà nước phải hoàn tiền bù vào 14.000 tỷ nợ xấu, bù vào 4.000 tỷ vốn điều lệ của Oceanbank, nhưng quy định của pháp luật là Ngân hàng Nhà nước không được dùng ngân sách để bù lỗ. Như vậy rõ ràng có vấn đề trong việc mua 0 đồng và chính việc mua này là nguyên nhân quan trọng nhất. Việc Chính phủ không cho thoái vốn là nguyên nhân quan trọng tiếp theo trong việc PVN và các cổ đông bị mất vốn.” - cựu Chủ tịch PVN phân tích.

Về trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn của PVN tại Oceanbank, ông Thăng cho rằng, việc đầu tư vào Oceeanbank có hiệu quả, thu hồi được cổ tức 244 tỷ đồng.

“Tháng 8/2011, bị cáo đã chuyển công tác, sau đó 3 năm Oceanbank vẫn chia cổ tức cho PVN… Bị cáo chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8/2011. Bị cáo chuyển đi, mọi quyền hạn, nghĩa vụ bị cáo không còn gì. Vì vậy, việc đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả, nếu Thủ tướng cho thoái vốn thì PVN đã thu lại được 800 tỷ đồng và 244 tỷ đồng cổ tức.” - bị cáo Thăng trình bày.

Khẳng định bản thân không chối bỏ trách nhiệm như cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát, ông Đinh La Thăng nói nếu có vi phạm thì ông xin hoàn toàn nhận trách nhiệm người đứng đầu. Bị cáo cũng khẳng định mình không tư lợi, tư túi gì.

“Mong tòa xem xét lại, việc đầu tư vào Oceanbank đã hoàn toàn có hiệu quả. Việc mất vốn là do Chính phủ không cho thoái vốn, Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng.” - ông Thăng nhấn mạnh.

Kết lại, cựu Chủ tịch PVN nói: “Bị cáo cảm ơn HĐXX cho bị cáo trình bày trước tòa, mong HĐXX xem xét sự việc trong bối cảnh lịch sử lúc đó tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế trong nước bị động. PVN đang thí điểm mô hình kinh tế mới, văn bản pháp luật chưa đầy đủ, chưa đồng bộ… Cần xem xét việc đầu tư vào Oceanbank không phải chủ trương chiến lược của PVN mà là để giải quyết hệ lụy của Hồng Việt.”.

Tiến Nguyên - Tuấn Hợp