1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Truy tố 36 bị can vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng đề nghị truy tố 36 bị can tại vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được xác định có dự báo đảm bảo giao thông đến 20 năm nhưng vừa xây xong đã hỏng nhiều điểm. Vì vậy, VKSND Tối cao đã truy tố 36 bị can, trong đó có 2 cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Trong số các bị can, có 35 người Việt Nam gồm Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào - cùng giữ chức Phó Tổng giám đốc (GĐ) Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Hoàng Việt Hưng - GĐ Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (BQLDA); 32 người khác là cán bộ, kỹ sư tư vấn giám sát.

Một bị can người Nhật Bản là Takao Inami - Tư vấn trưởng, Giám đốc văn phòng tư vấn giám sát dự án cũng bị truy tố. Tất cả bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Truy tố 36 bị can vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng - 1

Một số bị can trong vụ án khi bị khởi tố.

VKSND Tối cao xác định, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ Đà Nẵng tới Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km. Dự án có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và Ngân hàng Thế giới WB.

Phụ trách công tác khảo sát, thiết kế là liên danh các nhà thầu đến từ Nhật Bản và Thái Lan; liên danh các nhà thầu từ Nhật Bản và Úc giám sát thi công giai đoạn 1; tổ chức CDM Smith của Mỹ giám sát giai đoạn 2.

Dự án được chia làm 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu thi công cầu. Việc thi công được giao cho các nhà thầu Việt Nam (Cienco, Sông Đà, Thành An, Trường Sơn…) và nước ngoài (đến từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc).

Dự án khởi công năm 2013 và năm 2017 đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018 thông xe giai đoạn 2 và tính toán dự báo đảm bảo giao thông trên 20 năm kể từ ngày đầu tiên sử dụng, riêng mặt đường là hơn 10 năm.

Tuy nhiên, phía truy tố xác định khi vừa đưa vào sử dụng, cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.

Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam xác định, cả 7/7 gói thầu thi công đường thuộc giai đoạn 1 dự án không đảm bảo chất lượng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.

Các lỗi gồm chiều dày lớp bê tông nhựa không đủ; độ rỗng dao động rất lớn; các lớp đá dăm, bê tông có hiện tượng bong tróc; vật liệu không đạt yêu cầu quy định… dẫn tới cao tốc bị hư hỏng.

Tuy nhiên, các bị can thuộc VEC và BQLDA không có phương pháp, biện pháp khắc phục, rà soát, kiểm tra… Ngược lại, phía chủ đầu tư còn thanh toán cho các nhà thầu hơn 811 tỷ đồng.

Cơ quan truy tố cho rằng, các bị can đã không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng dẫn tới tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình dù không đảm bảo chất lượng.

Trong vụ án, ông Mai Tuấn Anh - nguyên Tổng GĐ VEC giai đoạn 2011-2017 và Chủ tịch HĐQT VEC giai đoạn 2017-2020 cũng bị xác định có sai phạm làm ảnh hưởng chất lượng công trình.

Cảnh sát đã tách hành vi liên quan ông Mai Tuấn Anh và một số đối tượng người Tây Ban Nha, Nhật Bản ở đơn vị thi công, giám sát ra xử lý trong giai đoạn sau của vụ án.

Các sai phạm trong giai đoạn 2 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài hơn 74km) cũng sẽ được xử lý sau khi có kết quả giám định tư pháp về chất lượng công trình.

Truy tố 36 bị can vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng - 2

Một điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cùng vụ án, ngoài việc VKSND đề nghị xử lý hình sự 36 bị can, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng theo thẩm quyền của mình cũng đề nghị viện kiểm sát quân đội truy tố 7 bị can vì những sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Các bị can gồm Thượng tá Đinh Tiến Hiệp - Giám đốc Ban Trường Sơn Miền Trung, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12); Đại úy Nguyễn Việt Hòa - Phó giám đốc Công ty Thành An 141, Tổng Cty Thành An (Binh đoàn 11); Phan Ngọc Thơm - nguyên Phó GĐ Ban điều hành (BĐH) gói thầu số 2 và 3B; Trần Năng Hà, Chu Tuệ Minh - cùng nguyên Phó GĐ BĐH gói thầu số 2; Nguyễn Quốc Hải - nguyên GĐ BĐH gói thầu số 6; Lương Văn Tiến - nguyên Chỉ huy trưởng, phụ trách phân đoạn Vinaconex E&C thi công tại gói thầu số 6.

Cơ quan điều tra của quân đội xác định, gói thầu số 6 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Vinaconex và Cty Vinaconex E&C thi công. Các bên cử người của mình gồm các bị can nói trên tham gia Ban điều hành nhằm đảm bảo con đường được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng…

Tuy nhiên, các nhà thầu này đã sử dụng nguồn nguyên liệu đá, đất, nhựa đường không đảm bảo chất lượng. Việc thi công cũng sai kỹ thuật dẫn tới hư hỏng nhưng vẫn được nghiệm thu chuyển giai đoạn và nghiệm thu hoàn công.