1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Truy tố 2 "đại gia sinh đôi" lan đột biến trong vụ than lậu ở Thái Nguyên

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh là 2 anh em sinh đôi từng nổi tiếng với các giao dịch lan đột biến hàng chục tỷ đồng vừa bị truy tố trong vụ án "than lậu" ở Thái Nguyên.

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 33 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trong vụ án than lậu xảy ra ở tỉnh này.

Theo đó, VKSND truy tố các bị can: Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty CP Yên Phước; Nguyễn Ngô Quyết, cựu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Văn Phong, cựu Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường - Sở Công Thương; Nguyễn Thanh Tuấn, cựu Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thế Giang, cựu Phó giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên; Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (anh em sinh đôi - SN 1989, lao động tự do)…

Truy tố 2 đại gia sinh đôi lan đột biến trong vụ than lậu ở Thái Nguyên - 1

Cặp song sinh Giang, Thanh (hai bên áo trắng) tại buổi giao dịch lan đột biến hàng trăm tỷ đồng (Ảnh: FBNV).

Theo cáo trạng, lợi dụng Công ty CP Yên Phước được cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang góp vốn đã hợp tác với Châu Thị Mỹ Linh để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép. Số lượng khai thác là hơn 3 triệu tấn, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép.

Cáo trạng cho rằng trong quá trình khai thác từ tháng 5/2019 đến 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã bán cho 3 nhóm hàng ở Thái Nguyên với tổng trị giá 386,7 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Vật liệu xây dựng An Khánh mua 606.152 tấn than, 38,479m3 bã sàng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt Nhật (Nhà máy Giấy An Hòa) mua 11.183 tấn than cám, giá trị hơn 11,2 tỷ đồng; bán lẻ cho một số cá nhân khác 159 tấn than và 94.364m3 bã sàng, thu số tiền 15,6 tỷ đồng...

Ngoài ra, một lượng than, bã sàng cũng được vận chuyển từ mỏ than Minh Tiến về các bãi tập kết tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để sàng tuyển, phối trộn với các nguồn than mua lậu không hóa đơn từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Sau khi phối trộn các nguồn than, Công ty Đông Bắc Hải Dương xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (thông qua Công ty SHN) 1,28 triệu tấn than cám, giá trị hơn 1.980 tỷ đồng; xuất bán cho Nhà máy Nhiệt điện Phúc Thành 145.685 tấn than cám, giá trị hơn 167 tỷ đồng; bán cho Nhà máy Nhiệt điện An Khánh 88.492 tấn, giá trị hơn 67 tỷ đồng và một số khách hàng khác 528.790 tấn, giá trị hơn 636 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng kết luận số tiền nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính từ việc khai thác than bán trái phép tại mỏ than Minh Tiến là hơn 213,5 tỷ đồng.

Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương phải thanh toán tiền than và khoáng sản đi kèm cho Công ty Yên Phước là hơn 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Yên Phước chỉ xuất 19 hóa đơn GTGT cho Công ty Đông Bắc Hải Dương đối với than cám và than kẹp xít (không có đá đen) trị giá hơn 8,2 tỷ đồng.

Để hoàn thiện đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc than khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến và số than mua không có hóa đơn, chứng từ, than nhập lậu để phối trộn trước khi xuất bán cho khách hàng, Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang cùng các cổ đông tại Công ty Đông Bắc Hải Dương ký hợp đồng mua bán than, mua hóa đơn mặt hàng than nhập khẩu, dầu diezel, dịch vụ bốc xúc, vận chuyển của 11 công ty tại Hải Phòng và Nam Định. 11 công ty này được xác định không có hồ sơ nguồn gốc than, không có hoạt động bán than, dầu và dịch vụ bốc xúc, vận chuyển với nhóm 6 Công ty Đông Bắc Hải Dương, chỉ xuất bán hóa đơn.

Trước khi liên đới vụ án này, Bùi Hữu Giang được biết đến là một "đại gia" đất mỏ có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản than. Giang có cơ ngơi đồ sộ với căn biệt phủ hoành tráng tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều xe sang.

Đầu năm 2021, anh em "đại gia sinh đôi" Bùi Hữu Giang nổi tiếng trên cộng đồng mạng với thương vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên đến 250 tỷ đồng. Giang cùng một số anh em đầu tư số tiền lớn để xây dựng vườn lan var Đất Mỏ (lan đột biến) vào đầu năm 2020 tại khu Cổ Giản, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều.

Gần đây, Giang gây xôn xao giới chơi lan và truyền thông vì tổ chức giao dịch lan đột biến giữa nhà vườn tại Mạo Khê với nhà vườn tại Hải Phòng. Số tiền 250 tỷ đồng được cho là đã chi trả cho 2 nhánh gốc, 4 mầm của lan đột biến 5 cánh trắng "Ngọc Sơn Cước" dài 1,1 m, có tất cả 48 lá.