1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ thâm nhập đường dây buôn lậu ô tô “đểu”

Truy tìm xe “đểu”

Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt giữ một ô tô Camry “giả” và đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ đường dây buôn lậu ô tô từ nước ngoài về Việt Nam

Ngày 30-3, thiếu tướng Nguyễn Chí Phi, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Công an TP Mỹ Tho điều tra làm rõ nguồn gốc sản xuất giấy tờ giả và người đục lại số máy, tháp số khung ô tô 63A-000.50 để xử lý vì có dấu hiệu của tội “Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điều 266 Bộ luật Hình sự.

Mua bán lòng vòng

Sau bài báo “Thâm nhập đường đây buôn ô tổ “đểu” trên Báo Người Lao Động ra ngày 20-2, Công an TP Mỹ Tho đã tạm giữ chiếc ô tô nhãn hiệu Camry đời 2001 vì sử dụng giấy tờ giả. Trong lúc lực lượng CSGT và cảnh sát hình sự kiểm tra chiếc ô tô “đểu” này thì người sử dụng xe là ông Lê Hoài Phương (ngụ phường 7, TP Mỹ Tho) chống đối quyết liệt không cho CSGT tạm giữ xe vì cho rằng chiếc xe “đểu” này là hợp pháp. Đến khi CSGT gọi xe cẩu đến, ông Phương mới đồng ý đưa xe về Công an TP Mỹ Tho để làm rõ.

Truy tìm xe “đểu” - 1
Truy tìm xe “đểu” - 2
Chiếc ô tô Camry “đểu” và giấy tờ giả bị Công an TP Mỹ Tho thu giữ

Tại cơ quan công an, ông Phương khai tháng 12-2011, ông có cho bà võ Thị Phương Uyên (ngụ phường 4) mượn 200 triệu đồng và bà Phương Uyên thế chấp cho ông chiếc ô tô “đểu” kèm theo giấy tờ. Làm việc với công an, bà Phương Uyên khai tháng 9-2011, ông Lê Thanh Hoàng ngụ xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thế chấp cho bà chiếc xe này với giá 200 triệu đồng và giấy tờ giả do chính ông Hoàng đứng tên.

Tại cơ quan công an, ông Hoàng khai tháng 4-2011, một “cò” xe tên Hồng (chỉ biết nhà ở huyện Cần Giờ - TPHCM) bán cho ông chiếc xe này với giá 220 triệu đồng. Sau khi coi xe, ông Hoàng đồng ý và khoảng 10 ngày sau thì ông Hồng giao xe và đến Phòng CSGT làm thủ tục giao cho ông Hoàng. Sau đó ông Hoàng thế chấp cho bà Uyên.

Giả giấy tờ, đục số máy, số khung

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, nội dung khai báo của ông Hoàng là không thành khẩn nhằm tránh sự xử lý của pháp luật. Ông Hoàng khai mua chiếc xe này vào tháng 4-2011 nhưng vào ngày 27-12-2010, ông Hoàng đã đứng tên sở hữu chiếc xe này (biển số cũ là 63K-0869).

Đến ngày 31-12-2010, ông Hoàng làm đơn đề nghị Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt, Công an tỉnh Tiền Giang đổi màu sơn từ trắng sang đen và được ông Lê Hoàng Tiến, Phó trưởng Phòng CSGT, ký. “Như vậy cho thấy ông Hoàng khai báo với cơ quan công an không thành khẩn. Việc ông Hoàng khai như vậy là để đối phó với công an” – một điều tra viên nhận định.

Theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tiền Giang, khả năng chiếc ô tô “đểu” này được nhập lậu từ Campuchia, sau đó đối tượng buôn lậu cho đục số máy, làm số máy giả. Riêng số khung có dấu vết cắt hàn kim loại có kích thước 17 x 5 cm ( tức là bị tháp). Còn giấy chứng nhận đăng ký xe là giấy giả được tạo ra bằng phương pháp in lụa phun màu. 

Hiện công an Tiền Giang đang mở rộng điều tra để làm rõ đường dây buôn lậu ô tô “đểu” từ nước ngoài về Việt Nam, đồng thời tiếp tục truy tìm những ô tô “đểu” mà Báo Người Lao Động phản ánh.

CSGT cũng khó phân biệt

Theo một cán bộ điều tra, hiện nay công nghệ sản xuất giấy tờ xe “đểu” đã đạt đến trình độ rất cao, ngay cả CSGT khi kiểm tra xe và giấy tờ cũng khó phân biệt. Theo cán bộ điều tra này, sau khi “đánh” xe lậu từ Campuchia về, các tay làm giả giấy tờ sử dụng phương pháp “hút mực”, tức là các thông số cần thay đổi trên giấy tờ xe sẽ được tẩy và dùng phương pháp in lụa để in vào giấy thật những thông số cần thiết và cho ra đời một tờ giấy giả từ giấy thật để sử dụng.

 

Theo MINH SƠN

Người lao động