"Trùm" tiền ảo biến mất, xử lý được không?

Từ ngày 27-7, ông Lê Minh Tâm,Giám đốc Sky Mining, đã "biến mất" cùng hàng trăm tỉ đồng khiến những người chơi tiền ảo tại công ty này hoang mang tột độ.

Việc ông Tâm "ôm" tiền lặn mất tăm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào? Luật sư Võ Đan Mạch gửi đến Báo Người Lao Động quan điểm pháp lý về vấn đề này.

Việc có khởi tố ông Lê Minh Tâm được hay không phụ thuộc vào chứng cứ của những nhà đầu tư cung cấp. Cụ thể là giấy tờ nộp bằng tiền mặt vào máy đào và các giao dịch nhận tiền ảo, rút tiền ảo.

Tuy nhiên, từ lúc đầu tư máy đào tiền ảo cho đến nhận tiền ảo đều giao dịch bằng tiền ảo. Theo quy định pháp luật của Việt Nam, tiền ảo không được công nhận. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu có đầy đủ chứng cứ xác định ông Lê Minh Tâm thực hiện các giao dịch bằng tiền ảo thì căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý.

Ông Lê Minh Tâm biến mất cùng hàng trăm tỉ đồng
Ông Lê Minh Tâm biến mất cùng hàng trăm tỉ đồng

Cụ thể, Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, quy định: người nào thực hiện một trong các hành vi: "Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; Làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán… gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 - dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

Về xử lý hành chính, khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định: phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 điều này. Trong khi đó, khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về hành vi bị cấm gồm: Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Như vậy, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về chế tài xử lý, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng nêu rõ, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị phạt tiền từ 150-200 triệu đồng.

Chính Phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Đây là mồi nhử khiến cho người tham gia đầu tư "hoa mắt" về cơ hội lợi nhuận và bỏ tiền ra mua các loại tiền ảo này.

Nhà đầu tư và công ty tham gia đầu tư lấy tiền thật đổi tiền ảo không có bất kỳ sự xác lập nào bằng văn bản ký kết cũng như các cam kết và các cơ hội mà công ty đưa ra đều không có văn bản chính thức. Nó chỉ xuất phát từ các sự kiện, từ những thông tin truyền miệng hoặc những thông tin không được kiểm chứng từ internet.

Các công ty không được cấp phép trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; do vậy, liên quan đến việc huy động tiền và cam kết trả lãi là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Các đối tượng này đã lợi dụng vào xu thế công nghệ 4.0, lòng tham và tâm lý đám đông để kéo người chơi vào bẫy.

Cũng cần nhìn nhận về trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý đã thiếu trách nhiệm trong việc tuyên truyền về nguy hại của việc chơi tiền ảo. Bên cạnh đó, các chương trình diễn thuyết diễn ra công khai mà không bị quản lý, cảnh báo.

Theo Luật sư Võ Đan Mạch

Người lao động