1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Trùm ma túy đe dọa “cắt gân” đồng bọn và chiêu trò giả tâm thần

Thuê đồng bọn mang ma túy đi giao dịch với khách hàng nhưng không may, kẻ vận chuyển bị bắt giữ, cứ ngỡ đồng bọn đã “cướp” không hàng, Phạm Ngọc Duy lồng lộn đi tìm, đe dọa sẽ xử lý nếu không trả lại. Đến khi biết đồng bọn đã bị Cơ quan công an bắt giữ, Duy nghĩ ra chiêu trò đối phó bằng cách nhập viện tâm thần...

Giả điên, trước, trong và sau khi gây án vào bệnh viện tâm thần điều trị để có bệnh án nhằm đối phó với cơ quan pháp luật. Đây là thủ đoạn không mới của một số loại tội phạm như ma túy, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm trong các vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng... đã áp dụng để né trách nhiệm hình sự hoặc hoãn thi hành án. Trùm ma túy Phạm Ngọc Duy (40 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), là một trong số những kẻ “giả điên” như vậy.

Không biết đồng bọn bị bắt, nhắn tin đe dọa “cắt gân”

Trước khi biết người thân bị Cơ quan công an bắt giữ về hành vi vận chuyển trái phép ma túy, gia đình của Hoàng Thế Mạnh (28 tuổi, ở tổ 14B phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vô cùng lo sợ trước những tin nhắn đe dọa sặc mùi xã hội đen của Phạm Ngọc Duy đối với Mạnh.

Không những thế, Duy còn đi tìm gặp vợ và bố mẹ Mạnh “khủng bố tinh thần”. Nguyên do từ việc Phạm Ngọc Duy thuê Hoàng Thế Mạnh làm người vận chuyển gần 1kg ma túy “đá” giao cho khách hàng nhưng đột nhiên Mạnh “biến mất” cùng số ma túy.

Vụ việc được bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Duy và Mạnh từ năm 2008 tại Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên). Thời điểm đó Hoàng Thế Mạnh đang trong thời gian cải tạo về tội “cướp tài sản”, còn Phạm Ngọc Duy đang thi hành bản án 9 năm tù giam tội mua bán trái phép ma túy. Quen nhau trong trại giam, hai bên kết nghĩa “chú - cháu” rồi hẹn nhau khi ra trại sẽ gặp lại.

Đối tượng Hoàng Thế Mạnh tại thời điểm bị bắt quả tang vận chuyển ma túy cho Phạm Ngọc Duy cùng tang vật.
Đối tượng Hoàng Thế Mạnh tại thời điểm bị bắt quả tang vận chuyển ma túy cho Phạm Ngọc Duy cùng tang vật.

Năm 2010, Hoàng Thế Mạnh được ra trại trước. Một năm sau, đến lượt Duy mãn hạn tù. Hai bên liên lạc, cho nhau số điện thoại. Có lần, Mạnh đưa Duy đến khách sạn T.S tại thành phố Lạng Sơn do bà Nguyễn Thị M. (mẹ đẻ Mạnh) làm chủ kinh doanh để nghỉ. Từ đó, thỉnh thoảng Duy qua lại khách sạn này thuê phòng nghỉ. Biết mối quan hệ của Duy với Mạnh từ khi cùng chung trại giam nên mọi người trong gia đình Mạnh đối xử với Duy rất vui vẻ.

Tối 13-6-2015, khi Hoàng Thế Mạnh đang ở nhà vợ tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thì nhận được điện thoại của Phạm Ngọc Duy hẹn đến đón tại 343 Đội Cấn, Ba Đình. Khoảng 22h30, Mạnh mượn xe máy của bố vợ nói đi có việc, sau đó đến điểm hẹn gặp Duy. Đến nơi, Mạnh thấy Duy đi ô tô Fortuner màu đen chờ ở đó. Duy bảo Mạnh đứng chờ để đi gửi ô tô.

Khoảng 5 phút sau, Duy quay lại cầm theo túi nilon màu đỏ chứa ma túy đá, treo vào móc treo đồ xe máy của Mạnh bảo mang đến 218 Đội Cấn giao cho một phụ nữ. Khách hàng này do Duy liên lạc nên Mạnh không biết mặt, cũng không biết điện thoại. Biết đó là ma túy, Mạnh vẫn đồng ý vận chuyển. Còn Duy, sau khi chuyển hàng cho Mạnh, anh ta lên ô tô đi khỏi phố Đội Cấn.

Khi đến số nhà 218 Đội Cấn, Mạnh đứng đợi mãi không thấy có người phụ nữ nào ra nhận hàng. Anh ta lòng vòng, ngó nghiêng đi tìm, đồng thời gọi điện thoại cho Duy. Duy bảo Mạnh cứ đứng đợi tại đó, sẽ có người ra nhận. Đúng lúc đó, tổ công tác Đại đội 2 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đi qua, đã bắt quả tang hành vi vận chuyển trái phép ma túy của Hoàng Thế Mạnh, thu giữ túi ma túy đá trọng lượng 801,62 gam.

Về phía Phạm Ngọc Duy, không hay biết Mạnh đã bị công an bắt giữ, sau đó Duy liên tục gọi điện thoại nhưng không thấy Mạnh trả lời. Cho rằng Hoàng Thế Mạnh đã “cướp” không số ma túy đá trị giá hàng trăm triệu đồng của mình, Duy nhắn tin: “Mạnh ơi, tao thương mày vì thấy mày khổ nhưng thực sự tao đã nhầm rồi phải không Mạnh?”.

Mạnh treo ma túy vào xe máy đi giao thì bị bắt giữ.
Mạnh treo ma túy vào xe máy đi giao thì bị bắt giữ.

Đợi mãi không thấy Mạnh trả lời, trong lòng Duy lồng lộn bởi ý nghĩ đã bị thằng cháu ăn không túi hàng nên Duy gọi điện thoại cho Nguyễn Thị T., vợ Mạnh, đe dọa và yêu cầu gia đình bảo Mạnh mang trả ngay cho Duy số ma túy mà Duy đã giao cho Mạnh. Không biết chồng đã bị bắt, chị T. nhắn tin cho Mạnh, thông báo việc bị Duy đe dọa và khuyên Mạnh có việc gì thì về nhà để cùng bàn bạc giải quyết.

Đe dọa vợ Mạnh nhưng vẫn không thấy có hồi âm, Phạm Ngọc Duy tiếp tục gọi điện thoại cho mẹ đẻ và bố dượng của Mạnh, yêu cầu bảo Mạnh mang trả ma túy, nếu không sẽ làm hại cả gia đình và việc kinh doanh khách sạn của bố dượng Mạnh tại Lạng Sơn. Để tạo áp lực, Duy gằn giọng dọa rằng: “Em tìm được thằng Mạnh em sẽ cắt gân nó. Nếu nó không trả gói hàng thì khách sạn trên Lạng Sơn cũng không để yên kinh doanh đâu”.

Phán đoán Mạnh đang trốn ở nhà vợ, Duy nhắn tin cho chị T.: “Chú biết cháu và thằng Mạnh đang ở cùng nhau, chú chỉ nhờ cháu nói với nó hộ chú là nó nên suy nghĩ kỹ liệu có đáng để nó làm như thế không, tiền hôm nay không có thì mai có thể kiếm được, còn có những cái mất đi không lấy lại được đâu. Chú thấy hoàn cảnh của nó, chú muốn giúp nó thật sự mà nó làm như thế với chú thì thấy buồn và thất vọng quá. Cháu bảo nó chú vẫn để cho nó một cơ hội từ giờ đến sáng mai nó đến gặp chú và trả lại những gì nó cầm đi của chú thì chú sẽ coi như chưa có chuyện gì...”.

Đến 6h sáng ngày 14-6, không thấy tăm hơi Mạnh đâu, Duy lồng lộn tức tối, gọi điện bắt vợ Mạnh phải gặp Duy để cùng đi tìm Mạnh. Lúc đó, chị T. vợ của Mạnh chưa nhận được thông tin chồng bị bắt, cũng không liên lạc được với chồng, lại bị Phạm Ngọc Duy gọi điện đe dọa liên tục cả đêm như vậy nên đành phải gặp Duy. Vẫn nghĩ Mạnh đã chiếm đoạt số ma túy, Duy bảo chị T.: “Nếu thằng Mạnh ở nhà thì ra gặp chú, không trốn được đâu, rồi chú sẽ tìm ra thôi. Mà nếu nó lấy đồ của chú thì chú bắt mẹ trả thôi, chú không để yên cho khách sạn của mẹ làm ăn đâu. Chú thương nó, chú mới tạo công ăn việc làm cho nó mà giờ nó đối xử với chú như thế”.

Không tìm được Mạnh, sáng cùng ngày, Phạm Ngọc Duy tiếp tục đi ô tô đến nhà ông Hoàng Văn D. - bố đẻ Mạnh tại phường Dĩnh Kế, Bắc Giang. Duy yêu cầu ông D. liên lạc bảo Mạnh trả hàng, nếu không sẽ làm hại gia đình Mạnh ở Hà Nội và gia đình mẹ đẻ Mạnh ở Lạng Sơn. Cho đến tối 14-6, biết Mạnh bị Cơ quan Công an bắt giữ, Phạm Ngọc Duy cắt liên lạc với mọi người và bỏ trốn.

Quá trình điều tra vụ án Hoàng Thế Mạnh vận chuyển trái phép chất ma túy, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, ra quyết định truy nã đối với Phạm Ngọc Duy. Về phía Hoàng Thế Mạnh, ngày 12-4-2016, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Mạnh tù chung thân về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Đến ngày 6-10, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Thế Mạnh, chấp nhận kháng cáo của bị cáo và xử phạt 20 năm tù giam.

Kết luận giám định pháp y tâm thần xác định Phạm Ngọc Duy không có bệnh tâm thần.
Kết luận giám định pháp y tâm thần xác định Phạm Ngọc Duy không có bệnh tâm thần.

Vào viện tâm thần cũng không thoát

Trở lại đối tượng Phạm Ngọc Duy, đến ngày 4-6-2016, Duy bị bắt theo quyết định truy nã. Ngay sau đó, gia đình Duy đã cung cấp cho cơ quan điều tra giấy ra viện có nội dung ngày 12-12-2015, Duy vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I khám bệnh, được chẩn đoán “tâm thần phân liệt thể Paranoid F20.0”. Sau khi được điều trị bằng phương pháp điều trị hóa dược và tâm lý liệu pháp, đến ngày 7-1-2016 Duy được ra viện.

Theo điều tra viên PC47 Công an TP Hà Nội, quá trình ghi lời khai, Duy tỏ ra lầm lì, ít nói để chứng minh... bị tâm thần, trái ngược với hành động hung hăng, manh động, đe dọa cả gia đình Hoàng Thế Mạnh trước đây khi tưởng rằng bị cướp mất số ma túy lớn. Để làm rõ Phạm Ngọc Duy có bị mắc bệnh tâm thần hay không, Thượng tá Nguyễn Trần Giang - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã có quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Duy.

Nội dung trưng cầu gồm: Xác định bị can Phạm Ngọc Duy có bị mắc bệnh tâm thần trước, trong và sau khi gây án ngày 13, 14-6-2015 và hiện tại hay không? Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi gây án ngày 13, 14-6-2015 và hiện tại.

Ngày 6-10-2016, bị can Phạm Ngọc Duy đã được đưa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để theo dõi giám định nội trú. Kết quả quá trình theo dõi, tiếp xúc với bị can của Viện cho thấy bị can tỉnh, tiếp xúc được, hành vi không rối loạn, tư duy liên quan, trí nhớ còn duy trì, nội khoa thần kinh không có gì đặc biệt...

Trùm ma túy Hoàng Thế Bảo từng giả điên để trốn tội và tiếp tục buôn ma túy trong thời gian ở bệnh viện tâm thần.
Trùm ma túy Hoàng Thế Bảo từng giả điên để trốn tội và tiếp tục buôn ma túy trong thời gian ở bệnh viện tâm thần.

Ngày 29-11-2016, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương đã có kết luận giám định gửi tới cơ quan CSĐT, kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi gây án ngày 13, 14-6-2015 và tại thời điểm giám định, bị can Phạm Ngọc Duy không có bệnh tâm thần. Bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Với kết luận giám định này thì chiêu trò nhập viện tâm thần của trùm ma túy coi như đã thất bại.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND TP Hà Nội đề nghị truy tố Phạm Ngọc Duy về tội “Vận chuyển trái phép ma túy” theo khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã từng lật tẩy chiêu trò “chui” vào bệnh viện tâm thần để trốn tránh tội cũ và tiếp tục buôn ma túy của Hoàng Thế Bảo (35 tuổi, ở Việt Yên, Bắc Giang). Điều này cho thấy trách nhiệm của cán bộ điều tra trong việc làm rõ hành vi “giả điên” của tội phạm, bởi đối với những trường hợp sử dụng bệnh án tâm thần để đối phó với pháp luật, chỉ cần sự “tặc lưỡi” của cán bộ tham gia tố tụng coi như một tên tội phạm nguy hiểm đã lọt lưới pháp luật. Bên cạnh đó, dư luận đề nghị tòa án cần kiên quyết không cho hưởng khoan hồng khi xét xử những bị cáo cố tình giả điên nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng nêu trên trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chính sách nhân đạo này của pháp luật đã bị một số tội phạm lợi dụng trong những năm gần đây. Các đối tượng sẵn sàng biến mình thành kẻ điên, nhập viện tâm thần trước, trong và sau khi gây án nhằm trốn tránh tội ác gây ra. Nhiều giang hồ cộm cán đã dùng bệnh án làm bảo bối để được giảm án hay thoát tội dù gây ra những tội ác hết sức tàn độc.

Theo Hương Vũ

An ninh thế giới