"Trùm buôn siêu xe" Phan Công Khanh sẽ bị tạm giữ trong bao lâu?
(Dân trí) - Theo luật sư, thời hạn tạm giữ Phan Công Khanh không quá 3 ngày. Trường hợp cần thiết hoặc đặc biệt thì có thể gia hạn nhưng không quá 9 ngày.
Phan Công Khanh (tức Khanh Super, 29 tuổi, quê Bến Tre) bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM tạm giữ để điều tra hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin ban đầu, Phan Công Khanh bị một người nộp đơn tố cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản liên quan đến mua bán dòng ô tô đắt tiền.
Với sự trên pháp lý trên, Phan Công Khanh sẽ bị nhà chức trách tạm giữ trong vòng bao nhiêu ngày?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, theo khoản 1, Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Theo luật sư Huyền, Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 3 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 3 ngày.
Do đó, với trường hợp của Phan Công Khanh, người này sẽ bị tạm giữ tối đa 3 ngày. Trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng sẽ gia hạn tạm giữ lần 1 và 2 với Khanh, không quá 6 ngày nữa.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Bên cạnh đó, bà Huyền cho biết thêm, trong quá trình tạm giữ, người bị tạm giữ có các quyền như được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội…
Tội Lạm dụng tín chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Về mức hình phạt nhẹ nhất tại Khoản 1 điều này có hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức hình phạt cao nhất được quy định tại Khoản 4.
Theo Khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.