Trốn trại 3 lần cũng không thoát
(Dân trí) - Xin quản giáo nghỉ lao động, Trần Văn Thảo dùng lưỡi cưa chuẩn bị từ trước cưa đứt song sắt cửa sổ phòng vệ sinh. Lợi dụng các phạm nhân khác ngủ say, Thảo và Lê Văn Hiệu bỏ trốn khỏi trại giam. Cuộc trốn trại lần thứ 3 của Thảo cũng không thành.
Bị cáo Trần Văn Thảo và Lê Văn Hiệu trước vành móng ngựa
Sáng ngày 19/9, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử Trần Văn Thảo (còn gọi là Si Pha, SN 1977, trú tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) và Lê Văn Hiệu (còn gọi là Phạm Văn Vương, SN 1982, trú tại tỉnh Quảng Ninh) tội “trốn tại nơi giam”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, Trần Văn Thảo đang thụ án chung thân tại trại giam số 6 Bộ Công An (đóng tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) về tội hiếp dâm trẻ em và trốn khỏi nơi giam. Lê Văn Hiệu cũng chấp hành án phạt từ chung thân tại đây với tội mua bán trái phép chất ma túy và trốn khỏi nơi giam.
Do có ý định từ trước nên Trần Văn Thảo chuẩn bị một đoạn lưỡi cưa dài 20cm giấu trong phòng giam và rủ bạn cùng phòng là Lê Văn Hiệu tìm cách bỏ trốn. Cả hai thống nhất sẽ dùng cưa phá chấn song cửa sổ thông gió phòng vệ sinh của buồng giam. Ngày 21/4/2011 Thảo xin cán bộ quản giáo nghỉ lao động và vào phòng vệ sinh cưa đứt 5 song sắt cửa sổ thông gió buồng vệ sinh. Để che mắt cán bộ trại giam, Thảo dùng xà phòng tắm “trám” lên vết cưa.
Đến khoảng 1h30 phút sáng ngày 22/4/2011, lợi dụng các phạm nhân cùng phòng ngủ say, Thảo và Hiệu đã đu người lên bẻ ngoặt các song sắt rồi chui qua cửa sổ trốn. Sau khi trốn được khỏi trại, cả hai lên núi lẩn trốn, xuống huyện Nam Đàn bắt xe đi thành phố Vinh. Đến 13h30 phút ngày 22/4, khi đang bắt xe ở bến xe huyện Nam Đàn thì cả hai bị cán bộ trại giam số 6 - Bộ Công an phát hiện và bắt giữ.
Tại phiên tòa, Trần Văn Thảo “nại” rằng vì cán bộ trại giam không cho gia đình gặp và tiếp tế cho bị cáo nên bị cáo bức xúc tìm cách trốn trại. Tuy nhiên HĐXX đã chứng minh lời khai của Thảo là không đúng sự thực. Năm 2000, Trần Văn Thảo bị TAND TP Hồ Chí Minh xử phạt chung thân về tội hiếp dâm trẻ em. Chưa thụ án được bao lâu thì Thảo tìm cách trốn trại và bị bắt giữ. Năm 2004, TAND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang xử phạt 36 tháng tù giam về tội trốn khỏi nơi giam. Y lại trốn trại lần thứ 2, năm 2008, TAND huyện Tân Phước lại tiếp tục tuyên phạt Lê Văn Thảo 5 năm tù tội trốn khỏi nơi giam. Y được chuyển đến thi hành án tại trại giam số 6 - Bộ Công an. Đến ngày 22/4/2011, Thảo lại tiếp tục trốn trại.
Đối với Lê Văn Hiệu, năm 2009 đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh xử phạt chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy và trốn khỏi trại giam. Đang chấp hành án phạt tại trại giam số 6 thì Hiệu cùng với Trần Văn Thảo tìm cách trốn khỏi trại giam lần thứ 2.
Trong quá trình thụ án tại trại giam số 6, cả hai bị cáo đều không chịu lao động cải tạo, chấp hành kỷ luật trại giam kém, cố tình không chấp hành pháp luật của nhà nước và luôn có ý định trốn trại. Với hành vi nhiều lần trốn trại, HĐXX cho rằng cần phải xử phạt thật nghiêm 2 bị cáo.
TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Trần Văn Thảo 5 năm tù giam vì tội trốn khỏi nơi giam, tổng hợp hình phạt trước, Thảo phải chịu mức án chung thân. Lê Văn Hiệu bị xử phạt 4 năm tù giam, tổng hợp bản án tù trước đó, Hiệu cũng phải chịu mức án tù chung thân.
Hoàng Lam