Trinh sát vùng cao kể chuyện phá trọng án
Nếu phá án dưới xuôi phức tạp một thì ở vùng cao khó khăn gấp nhiều bề.
Đến các xã vùng cao giờ có thể đi được bằng xe máy, không phải cuốc bộ như nhiều năm trước; phương tiện liên lạc giờ cũng đủ đầy hơn nhưng không vì thế mà điều tra trọng án ở vùng cao vợi bớt khó khăn.
Nếu phá án dưới xuôi phức tạp một thì ở vùng cao khó khăn gấp nhiều bề. Ngoài sự khác biệt về phong tục, tập quán còn là hạn chế về nhận thức của người dân trên địa bàn, sự bất đồng về ngôn ngữ; phần lớn trong số họ có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, sau khi sự việc xảy ra không hợp tác với cơ quan điều tra do lo sợ bị trả thù khiến việc thu thập tài liệu gặp không ít khó khăn.
Kỳ án “người rừng” như Ma Seo Chứ hay Phàn A Gát và thời gian gần đây là Tẩn Láo Lở (đều trú tại tỉnh Lào Cai) những tưởng chỉ có trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám..., đến thời điểm này đều đã đi đến hồi kết khi có đối tượng đã bị tiêu diệt trong quá trình truy bắt của lực lượng Công an; số còn lại đã và đang phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội đã gây ra.
Song quá trình điều tra, phá những vụ án “người rừng” đến thời điểm này vẫn là một bí ẩn, lôi cuốn sự tò mò của không ít người, cả về hành trình săn lùng cũng như cuộc sống hoang dã của họ trong quá trình trốn chạy.
“Cho đến thời điểm này, kỳ án săn “người rừng” Ma Seo Chứ (trú tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) vẫn là hành trình kéo dài nhất từ trước đến nay của Công an tỉnh Lào Cai. Đây cũng là chuyên án có nhiều kỷ lục nhất của Công an tỉnh với thời gian phá án kéo dài nhất trong lịch sử điều tra của Công an tỉnh Lào Cai, 12 năm, đối tượng gây án có thủ đoạn lẩn trốn tinh vi nhất và quá trình đấu tranh tốn nhiều công sức nhất”, Đại tá Lương Cao Huỳnh, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lào Cai, một trong những người tham gia chuyên án từ khi xác lập đến lúc bắt giữ thành công cho biết.
Anh cũng là một trong những cán bộ thuộc Công an tỉnh Lào Cai, tham gia nhiều chuyên án “người rừng”, vốn là đặc sản của vùng cao Lào Cai từ trước đến nay.
Khoảng những năm 90, trên những cánh rừng hoang sơ ven bờ sông Chảy thuộc địa bàn giáp ranh hai huyện Mường Khương và Si Ma Cai xuất hiện một người đàn ông lạ, thoắt ẩn thoắt hiện trong các hang đá trên các vách núi cheo leo nằm vắt vẻo lưng trời.
Câu chuyện qua lời đồn thổi từ người này qua người khác được thêu dệt thêm rất nhiều chi tiết khiến nhiều “người rừng” càng trở nên hư hư thực thực và cũng là nỗi kinh hoàng của người dân sở tại.
Ngày 28-9-1997, lực lượng dân quân xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, bắt một đối tượng ẩn nấp dưới hang đá ở khu vực bờ sông Chảy. Trên đường dẫn giải, đối tượng này đã lấy đi một khẩu súng AK rồi bỏ trốn vào rừng.
Cũng như các chuyên án vùng cao khác, việc xác định nghi can là một thử thách đối với cán bộ Công an tỉnh Lào Cai. Rất nhiều công sức và gian nan không kể xiết bằng lời, chân dung của nghi can Ma Seo Chứ (56 tuổi, trú tại huyện Si Ma Cai) cùng quá trình phạm tội của anh ta đã được tỉ mỉ dựng lên.
Chứ từng có thời gian làm Phó Chủ tịch xã Nàn Xín. Nhưng khoảng năm 1990 do một số vấn đề về tài chính… anh ta bị điều làm Xã đội trưởng. Từ đó, Chứ bất mãn, anh ta trả súng cho Huyện đội rồi bỏ vào rừng sinh sống.
Thời gian đầu, Chứ vẫn về gặp vợ nhưng đến năm 1993 thì "bặt vô âm tín”. Ngày 4-8-1998, người dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, phát hiện "người rừng" tại Hang Khỉ, thuộc thôn Vang Đẹc (Lào Cai).
Ngay khi nhận tin, Trưởng Công an xã Thanh Bình Tráng Sín Trá cùng một số Công an viên và Công an huyện Mường Khương đã tổ chức lực lượng vây ráp cửa hang. Đối tượng "người rừng" bất ngờ bắn chết Trưởng Công an xã Tráng Sín Trá... Từ đây, bắt đầu hành trình lần theo tung tích của “người rừng”...
Đại tá Lương Cao Huỳnh nâng niu cầm trên tay cuốn sổ ghi chép đã nhuốm màu thời gian, mỗi gạch đầu dòng lại gợi nhắc cho anh một kỷ niệm.
Anh bộc bạch: Các vụ án vùng cao nhiều khi bắt nguồn từ những nguyên nhân thật giản đơn nhưng hậu quả để lại rất đau lòng. Đối tượng sau khi gây án thường bỏ trốn vào nơi rừng thiêng nước độc. Xác định được đối tượng gây án không dễ, truy bắt những gã người rừng còn lẩn trốn nơi rừng hoang, núi thẳm cũng khó như “mò kim đáy bể”.
Trong suốt hành trình theo dõi đối tượng Ma Seo Chứ, anh và các cán bộ truy nã phải làm rất nhiều công việc, song thú vị nhất vẫn là việc đi câu dọc sông Chảy để ngụy trang, nắm tình hình về .
Một chiếc bè làm bằng nứa, họ rong ruổi trên sông Chảy, mỗi chuyến đi kéo dài từ 3-4 tháng giữa hai khu vực Si Ma Cai và Cốc Ly, Bát Xát (Lào Cai), chẳng có phương tiện liên lạc cũng không có một phương tiện gì để giải trí. Gạo thì mang đi để nấu cơm, rau thì hái trên rừng còn thức ăn là cá câu được trên sông Chảy...
Ở lâu dưới địa bàn cũng quen, khi về nhà cũng cảm thấy lạ lẫm, nhớ tiếng côn trùng kêu rả rích đêm khuya rồi tiếng hát trong trẻo của cô gái Mông trên đỉnh Nậm Pô mỗi khi chiều tà...
Ở một cuộc truy bắt khác, ngày 24-11-2000, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai đã ra lệnh truy nã đặc biệt Phàn A Gát và đề nghị Bộ Công an ra lệnh truy nã toàn quốc.
Là người địa phương, Gát thông thuộc từng đường ngang ngõ tắt trong rừng rậm, con "sói già" ấy thoắt ẩn, thoắt hiện nên việc truy tìm tung tích của hắn gặp rất nhiều khó khăn.
Đại tá Lương Cao Huỳnh bấm ngón tay nhẩm tính, đối tượng đã di chuyển qua 300 chiếc hang. Có những chiếc hang, khi lực lượng trinh sát tiến hành khám xét thì lớp lông chim đã dày khoảng 2-3m.
Khả năng tự sinh tồn, thích nghi với cuộc sống hoang dã đã khiến các đối tượng trở nên cực kỳ manh động và liều lĩnh. Đây cũng là khó khăn đối với lực lượng đánh án... Các đối tượng thông thuộc địa bàn, vì thế việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.
Đối tượng cố thủ vào một chiếc hang nằm sâu trong rừng nứa và luôn mang theo vũ khí bên người, sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt nếu bị phát hiện và bắt giữ.
Được nghe, được kể và cũng từng được một lần đặt chân đến những nơi rừng thiêng, nước độc, chúng tôi thêm hiểu về những gian khó của phá án vùng cao. Và càng hiểu thêm về quyết tâm phá án của Công an tỉnh Lào Cai trong hành trình truy bắt “người rừng”.
Ngoài sự hiểm nguy trong quá trình trinh sát còn phải đối mặt với sự liều lĩnh của đối tượng. Bắt giữ đã khó, đấu tranh để chúng nhận tội còn gian nan hơn nhiều. Ma Seo Chứ sau khi bị bắt giữ đã giả câm, giả điếc, suốt nhiều tháng ròng không hợp tác với cơ quan điều tra.
Hay như đối tượng Phàn A Gát cũng loanh quanh không khai nhận hành vi phạm tội. Rồi để đảm bảo tính khách quan, các vụ án đều phải thực nghiệm điều tra...
Việc này cũng được ví như “thả hổ về rừng”, chỉ cần sơ sểnh, đối tượng có thể lao vào rừng sâu bất cứ lúc nào. Trong những chuyến đi rừng đó, những trinh sát khoẻ mạnh là thế cũng cảm thấy rã rời, đôi bàn chân vượt lên những con dốc hầu như chẳng có bàn chân người qua lại, co cứng, đau nhừ, lại thêm bị cây rừng, mảnh đá cọ sát ứa máu đỏ; chuyện thiếu đói cũng là bình thường.
Bắt giữ các đối tượng này là cả một hành trình như “mò kim đáy bể”, nhưng với quyết tâm cao, vụ án kinh điển của người rừng đã được điều tra, làm rõ.
Theo Xuân Mai
(Báo Công An nhân dân)