1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Tranh luận về mức án đề nghị với bị cáo Đỗ Hữu Ca

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Luật sư cho rằng bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, không phải là đối tượng, nguồn gây nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội. VKS bác bỏ đề nghị này.

Phiên xử sáng nay 11/4, sau khi đại diện VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 13 bị cáo, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh cho phép các luật sư tranh tụng, bào chữa cho các bị cáo.

Trong số 13 bị cáo của vụ án, bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bị đề nghị mức án cao nhất, 10-11 năm tù cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tranh luận về mức án đề nghị với bị cáo Đỗ Hữu Ca - 1

Bị cáo Đỗ Hữu Ca (Ảnh: Nguyễn Dương).

Luật sư: Không cần thiết cách ly bị cáo Đỗ Hữu Ca

Giải thích về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Bùi Phương Lan bào chữa cho bị cáo Ca cho biết, tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể và đặc biệt thủ đoạn gian dối của người phạm tội luôn phải có trước việc chuyển giao tài sản. 

Trong vụ án này, theo lời khai của Ngọc Anh và Trương Xuân Đước thì việc thực hiện chuyển giao tài sản lại được thực hiện trước. Bị cáo Đỗ Hữu Ca không hề đưa ra thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật nhằm gian dối, lừa đảo để Đước mang tiền đến nhà mình.

Luật sư cho rằng, sau 4 lần nhận số tiền 35 tỷ đồng từ vợ chồng Trương Xuân Đước, ông Ca vẫn nói chưa nắm được thông tin gì từ phía Công an tỉnh Quảng Ninh.

Từ dẫn chứng này, luật sư cho rằng ông Ca không hề đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt số tiền của vợ chồng Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh.

Theo luật sư, tại phiên tòa, bản thân bị cáo Đước và Ngọc Anh cũng thừa nhận không bao giờ nghĩ Đỗ Hữu Ca lừa đảo chiếm đoạt tiền của mình. 

Nữ luật sư cho rằng, bị cáo Ca vô tình phạm phải tội danh trên, hoàn toàn không cố ý. Bà phân tích, việc "chuyển hóa tội phạm" hoàn toàn khác với lỗi cố ý.

Tranh luận về mức án đề nghị với bị cáo Đỗ Hữu Ca - 2

Luật sư Bùi Phương Lan bào chữa cho bị cáo Đỗ Hữu Ca (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Vụ án Tân Hoàng Minh vừa mới xử tại TAND TP Hà Nội, có 6.600 bị hại, với số tiền bị chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo trong vụ án này lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên VKS cũng chỉ đề nghị mức án đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh, mức án 9-10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", nữ luật sư lấy ví dụ.

Từ đó, luật sư cho rằng VKS đề nghị mức án 10-11 năm tù đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca là quá nghiêm khắc.

Về việc bị cáo Ca bị áp dụng tình tiết tăng nặng vì phạm tội 2 lần trở lên, luật sư cho rằng chưa chính xác.

Bà phân tích, 4 lần bị cáo Ngọc Anh đưa tổng số tiền 35 tỷ đồng cho bị cáo Ca chỉ nhằm thực hiện một mục đích duy nhất là chạy tội. Không phải mỗi lần Ngọc Anh đến đưa tiền ông Ca đưa thông tin gian dối và đòi thêm tiền.

Theo luật sư, ông Ca có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã nộp lại 35 tỷ đồng cho cơ quan điều tra, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp và được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương…

Luật sư cho rằng, bị cáo Ca không phải là đối tượng hoặc là nguồn có thể gây nguy hiểm đến trật tự xã hội; vì vậy đề nghị HĐXX khoan hồng, chấp nhận quan điểm không cần cách ly ông Đỗ Hữu Ca ra khỏi đời sống xã hội.

VKS bác bỏ quan điểm của luật sư

Đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện VKS cho biết, bị cáo Ca đã thừa nhận có nhận 35 tỷ đồng từ vợ chồng bị cáo Đước. Bị cáo Ca đã giữ số tiền này suốt 5 tháng, không làm bất cứ việc gì để nhờ vả chạy án. 

"Ngày 25-28 Tết năm 2023, vợ chồng Đước đã đến nhà gặp. Ngọc Anh nói với ông Ca rằng "chồng em có được về ăn Tết không anh?". Ông Ca nói "cứ về ăn Tết bình thường, tao lo xong hết rồi". Đây chính là lợi dụng uy tín bản thân để tạo niềm tin, thời điểm này vụ án chưa bị phát giác", VKS đối đáp.

VKS nói tiếp ở tình huống trên, không thấy ông Ca đòi thêm tiền nữa thì vợ chồng Đước nghĩ rằng ông Ca đã dùng 35 tỷ đồng để nhờ chạy án.

Sau đó Đước bị bắt, Ngọc Anh đến nhà ông Ca đòi lại tiền nhưng không được.

Tranh luận về mức án đề nghị với bị cáo Đỗ Hữu Ca - 3

Quang cảnh phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Dương).

VKS lập luận, việc ông Ca nói với vợ chồng Đước "cứ về ăn Tết bình thường, đã lo xong rồi" chính là đưa ra thông tin gian dối, từ đó chuyển hóa thành tội phạm.

Về việc luật sư cho rằng bị cáo Ca không phạm tội nhiều lần, VKS đối đáp, quá trình điều tra vụ án cho thấy khi cháu Đước bị bắt, vợ chồng Đước đã đến nhờ Ca chạy án và được Ca nhận lời. Sau đó phát sinh vấn đề nhận tiền, bị cáo gian dối ngay từ đầu.

Vợ chồng Đước 4 lần mang tiền đến nhà ông Ca, mỗi lần mang tiền đều cấu thành tội phạm, nên bị cáo bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần là có căn cứ.

Với đề nghị không cách ly bị cáo Ca khỏi xã hội, VKS đối đáp: "Số tiền bị cáo Ca lừa đảo chiếm đoạt là đặc biệt lớn. Nhưng do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên mới được đề nghị mức án dưới khung hình phạt. Vì vậy việc cách ly bị cáo Ca khỏi đời sống xã hội một thời gian là cần thiết".