1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Trần Phương Bình xin lỗi thuộc cấp

(Dân trí) - Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Phương Bình gửi lời xin lỗi các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên DongABank đã vì mình mà vướng vào lao lý.

Trần Phương Bình có nhiều đóng góp cho ngân hàng

Ngày 6/7, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Phương Bình, đề nghị HĐXX xem xét việc tách vụ án thành 2 giai đoạn gây bất lợi cho các bị cáo. Bối cảnh phạm tội của bị cáo Bình là khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ xấu cao. Trong khi đó, nhóm công ty M&C, công ty Hiệp Phú Gia, nhóm Tân Vạn Hưng, công ty Thép Đồng Tiến là những khách hàng có quan hệ tín dụng trên 20 năm với DongABank.

Trần Phương Bình xin lỗi thuộc cấp - 1
Trần Phương Bình cùng đồng phạm.

Ngoài ra, cá nhân ông Bình đã có nhiều đóng góp cho DongABank để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Bình và các bị cáo là cán bộ, nhân viên ngân hàng này.

Bên cạnh đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Bình cho rằng việc xác định thiệt hại của vụ án chưa chính xác bởi cáo trạng xác định ông Bình và đồng phạm gây thiệt hại 8.800 tỷ đồng khi cho 5 nhóm khách hàng vay. Tuy nhiên, đến nay tổng giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay này có khả năng cân đối, khắc phục được phần lớn hậu quả xảy ra.

Cụ thể, đối với khoản thiệt hại 3.139 tỷ đồng do DongABank cho nhóm Hiệp Phú Gia, TTC vay, luật sư cho rằng nguồn gốc của thiệt hại này là từ khoản vay 879 tỷ đồng của 11 cá nhân thuộc nhóm TTC.

Qua nhiều đợt trả nợ, đến nay còn dư nợ gốc 1.088 tỷ đồng (chênh lệch với nợ gốc khoảng 190 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo (dự án Mỹ Gia, dự án Richland Hill,…) vào thời điểm định giá tháng 6/2019 là 3.368 tỷ đồng, về cơ bản đủ khả năng cân đối khắc phục toàn bộ hậu quả.

Trần Phương Bình xin lỗi thuộc cấp - 2
Luật sư bào chữa cho Trần Phương Bình cho rằng vụ án có khả năng thu hồi được thiệt hại.

Đối với thiệt hại 3.949 tỷ đồng trong việc cho nhóm khách hàng M&C vay, luật sư cho rằng nguồn gốc khoản thiệt hại xuất phát từ việc DongABank cho 4 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.675 tỷ đồng, đến nay dư nợ 3.949 tỷ đồng.

Để công ty M&C hợp tác với công ty Ba Son đầu tư khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son, ông Bình đã mượn pháp nhân công ty vốn An Bình để chuyển cho công ty M&C 250 tỷ đồng để đặt cọc cho công ty Ba Son. Tuy nhiên, công ty M&C đã không thực hiện theo thỏa thuận với công ty Ba Son.

Sau đó, Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng đã chuyển số tiền này cho Cục Thi hành án dân sự TPHCM. Tại tòa, đại diện DongABank và ông Bình đã đề nghị xem xét đối trừ 250 tỷ đồng trên vào khoản thiệt hại liên quan đến nhóm khách hàng này.

Đối với thiệt hại 393 tỷ đồng trong việc cho nhóm Đồng Tiến vay, xuất phát từ 58 khoản vay. Các khoản vay của nhóm Đồng Tiến đều được DongABank giải ngân chi, chuyển khoản thanh toán trực tiếp cho các đối tác trong và ngoài nước theo đúng yêu cầu sử dụng tiền vay của các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến.

Sau khi DongABank giải ngân, nhóm Đồng Tiến dùng để nhập khẩu máy móc thiết bị, sắt thép phế liệu, bổ sung vốn lưu động để thanh toán tiền điện, tiền lương cho nhân viên, đến nay chưa phát hiện việc nhóm Đồng Tiến sử dụng tiền sai mục đích đã cam kết với ngân hàng.

Xin giảm nhẹ hình phạt

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo khác trong vụ án đồng ý về tội danh cáo trạng truy tố. Ngoài ra, các luật sư cho rằng mức án Viện Kiểm sát đề nghị là nặng vì các bị cáo nguyên là cấp dưới của Trần Phương Bình chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi, chưa xem xét bối cảnh phạm tội.

Trần Phương Bình xin lỗi thuộc cấp - 3
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp.

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo bị truy tố theo Khoản 3 của tội vi phạm quy định cho vay với mức hình phạt lên tới 20 năm tù. Trong phần đề nghị, Viện Kiểm sát đã xem xét toàn bộ nội dung vụ án, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, bối cảnh phạm tội, phân hóa tội phạm. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét tuyên phạt 10/12 bị cáo mức án dưới khung hình phạt.

Về bối cảnh phạm tội của bị cáo Trần Phương Bình thì Viện Kiểm sát cho rằng đã ghi nhận trong phần luận tội nên không xem xét thêm.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Phương Bình gửi lời xin lỗi các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên DongABank đã vì mình mà vướng vào lao lý. Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo còn lại trong vụ án cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của lãnh đạo DongABank nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Ngày 10/7, HĐXX sẽ tuyên án.

Xuân Duy